Đảm bảo an toàn vệ sinh thức ăn đường phố

Thứ sáu - 25/06/2010 04:05

Đảm bảo an toàn vệ sinh thức ăn đường phố

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới, thức ăn đường phố gồm các loại thức ăn, đồ uống được chế biến hay bán trên đường phố và nơi công cộng với mục đích dùng để ăn ngay hoặc ăn sau đó nhưng không có chế biến và xử lý tiếp
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới, thức ăn đường phố gồm các loại thức ăn, đồ uống được chế biến hay bán trên đường phố và nơi công cộng với mục đích dùng để ăn ngay hoặc ăn sau đó nhưng không có chế biến và xử lý tiếp. 3 loại thức ăn đường phố phổ biến là thức ăn được bán trong cửa hàng cố định, bán trên hè phố và bán rong. Trong xu thế phát triển chung của xã hội, dịch vụ thức ăn đường phố đã và đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và phục vụ nhiều đối tượng với nhiều loại hình khác nhau như chế biến trước từ nhà, chế biến tại chỗ theo địa điểm ở vỉa hè, trước cửa nhà, ngoài trời, trong chợ, bên lề đường giao thông, cạnh bãi rác hoặc bán rong...vv... Hiện nay, trong toàn tỉnh có 2.403 cơ sở thức ăn đường phố, trong đó có 209 nhà hàng lớn, số còn lại là các bếp ăn tập thể, bếp ăn của trường học, khu công nghiệp, khu du lịch và tập trung ở khu vực thành thị như thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị, nơi diễn ra nhiều sự giao lưu, qua lại, buôn bán như khu thương mại quốc tế Lao Bảo, chợ đầu mối, chợ trung tâm, khu dân cư. Sử dụng thức ăn đường phố mỗi ngày là những người lao động, học sinh, cán bộ công chức, tiểu thương, khách du lịch mà lý do thường rất đơn giản và phù hợp với nhu cầu thực tế của mỗi người.

 

Đáp ứng nhu cầu của khách hàng, những người kinh doanh thức ăn đường phố thường chế biến những món ăn, đồ uống theo sở thích chung của số đông và tùy vào từng mùa trong năm. Đồng thời, những người kinh doanh thức ăn đường phố thường có bạn hàng của mình để có được sự thuận lợi trong việc phục vụ khách hàng như bên cạnh vài hàng cơm, hàng bánh, hàng cháo, hàng bún ở khu vực ăn uống của các chợ có một hàng nước; các nhà hàng lớn thường là nơi tiêu thụ chính của một đại lý bia, nước giải khát nào đó... Và với những cố gắng chuyên môn của ngành y tế, nhất là đội ngũ những người thực hiện nhiệm vụ đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của một vài người kinh doanh thức ăn đường phố đã được nâng lên trong thời gian gần đây.

 

Trong thực tế, sự đa dạng của các loại hình thức ăn đường phố và sự gia tăng không ngừng về đối tượng và nhu cầu tiêu thụ đã và đang đặt ra yêu cầu các cơ quan chức năng phải tăng cường các hoạt động nhằm bảo vệ người tiêu dùng thức ăn đường phố. Hướng tới mục tiêu này, thời gian qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh tăng cường thanh tra, giám sát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm như kiểm tra để phát hiện các loại thực phẩm có sử dụng hàn the, phẩm màu, hóa chất ngoài danh mục cho phép; thường xuyên tổ chức các chiến dịch truyền thông về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, mở các lớp tập huấn về kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các chủ nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, người kinh doanh dịch vụ ăn uống và vận động, hướng dẫn, khuyến khích những người này nghiêm túc chấp hành Pháp lệnh An toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện ý thức đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để vừa tạo uy tín, gây dựng thương hiệu, tăng doanh thu vừa góp phần giữ gìn sức khỏe của cộng đồng, một số nhà hàng, quán ăn trong tỉnh đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Một trong những việc làm thường xuyên của các nhà hàng, quán ăn này là tạo điều kiện thuận lợi để nhân viên của mình tích cực tham gia vào quá trình đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là trong những thời điểm nhạy cảm về dịch bệnh truyền qua thực phẩm không hợp vệ sinh. Và, với những món ăn ngon, một môi trường kinh doanh, phục vụ tốt, những cơ sở thức ăn đường phố như thế đã tạo được sự hài lòng và niềm tin đối với khách hàng.

 

Tuy nhiên, trước sự phát triển rất mạnh của các loại hình thức ăn đường phố và đặc biệt là với nhận thức chưa đồng đều giữa những người kinh doanh, kiếm sống bằng thức ăn đường phố cũng như người tiêu dùng, đến nay, thực tế tất cả các loại hình thức ăn đường phố trên địa bàn của tỉnh đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là một hiện thực trong mơ của toàn xã hội nói chung và của ngành y tế nói riêng. Thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh cho biết, trong toàn tỉnh hiện nay chỉ có 14,72% cơ sở thức ăn đường phố mà chủ yếu là các bếp ăn của khu công nghiệp, trường bán trú được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, chỉ 2,95% quán ăn vỉa hè đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, còn lại hơn 95% số cơ sở thức ăn đường phố chưa đạt và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm, gây ngộ độc thực phẩm. Qua các số liệu này, có thể hình dung được phần nào những khó khăn, thách thức đối với cơ quan chức năng trong việc quản lý thức ăn đường phố.
 

anhtadp.jpg
Quán hàng trước cổng trường (Ảnh Thảo Vinh)

 

Trong đợt giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm đối với thức ăn đường phố vừa được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành mới đây cho thấy, trong thực tế, rất nhiều người bán quán ăn đường phố không được tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ; không đeo tạp dề, khẩu trang, mũ khi bán hàng; không dùng riêng dụng cụ gắp thức ăn chín và thức ăn sống; nhiều quán ăn không có tủ kính để bày bán thức ăn, không có dụng cụ đựng thức ăn thừa và chất thải khác. Kết quả kiểm nghiệm mối nguy ô nhiễm thực phẩm cho thấy tỷ lệ thức ăn đường phố nhiễm vi khuẩn khá cao, trung bình 55,6% - 66%; trong đó nước chấm có tỷ lệ nhiễm cao nhất 100% và dụng cụ chế biến: 100%, ngay cả bàn tay người chế biến có tỷ lệ nhiễm Ecoli, tụ cầu vàng 60% là những vi khẩn thường gây ngộ độc cấp. Như vậy, dù thức ăn đã được chế biến ngon đến đâu cũng sẽ bị giảm chất lượng, không bảo đảm vệ sinh và tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng. Điều đáng ngại là ở những điểm bán thức ăn đường phố này vẫn thường xuyên đông khách hàng. Trước tình hình quản lý thức ăn đường phố còn nhiều bất cập, khó khăn và để ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm, yêu cầu đặt ra với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm là phải nhanh chóng triển khai các biện pháp chuyên môn mang lại hiệu quả tích cực nhất.
 

mauta.jpg
Lấy mẫu kiểm nghiệm mối nguy ô nhiễm thực phẩm (Ảnh Thảo Vinh)

 

Nhìn chung, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong phạm vi thức ăn đường phố hiện nay quan trọng vẫn là nhận thức và hành vi nghề nghiệp của người kinh doanh và ý thức của người tiêu dùng. Đồng hành với cộng đồng trong quá trình đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thức ăn đường phố, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tập trung kiểm soát thức ăn đường phố, quản lý thức ăn đường phố ngày một tốt hơn. Và với sự quan tâm, sự hưởng ứng của toàn xã hội, các giải pháp quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm thức ăn đường phố sẽ mang lại hiệu quả như mong muốn là tích cực góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Tác giả bài viết: Bội Nhiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây