Cần có sự phối hợp đồng bộ trong quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm

Thứ hai - 07/01/2013 02:20
(QT) - Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, mặt khác còn liên quan đến hiệu quả kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Do đó, việc đảm bảo VSATTP không những cung ứng nguồn dinh dưỡng tốt cho cuộc sống, giảm gánh nặng về bệnh tật, tăng hiệu suất lao động và thể hiện được nếp sống văn minh, hiện đại. Tuy nhiên chất lượng VSATTP hiện nay rất đáng lo ngại
Kiểm tra giám sát nhà hàng, khách sạn kinh doanh dịch vụ ăn uống
Kiểm tra giám sát nhà hàng, khách sạn kinh doanh dịch vụ ăn uống
Những bất cập trong kiểm soát chất lượng thực phẩm nhập khẩu; việc sử dụng không an toàn về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trọng, kháng sinh, hóa chất trong chăn nuôi, trồng trọt còn khá phổ biển. Cả nước chỉ mới có 8,5% tổng diện tích rau, cây ăn quả an toàn; gần 80% hộ gia đình chăn nuôi có sử dụng thuốc tăng trọng, chất tạo nạc; rồi tình trạng nước mắm có u-rê; trứng gà và sữa có chứa melamine; bánh phở có tẩm formol; chả giò chứa hàn the… 

Một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm cạnh cống rãnh hoặc gần ao tù, nước đọng mất vệ sinh. Đó chính là nguyên nhân làm cho thực phẩm không an toàn, thực phẩm nhiễm vi sinh độc hại (vi khuẩn, vi-rút, ký sinh, nấm) gây nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm tập thể. Việc sử dụng những hóa chất, phụ gia dùng trong nông thủy sản, thực phẩm không đúng quy định gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. 

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, hiện tượng ngộ độc thực phẩm có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ngộ độc từ tiệc cưới, hỏi, ma chay và các khu du lịch, lễ hội. Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), riêng trong 10 tháng của năm 2012 toàn tỉnh có 7 vụ ngộ độc xảy ra với 123 người mắc, trong đó có 2 vụ ngộ độc lớn từ 2 tiệc cưới với hơn 70 ca. Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm là do chưa quản lý được loại hình chế biến lưu động không có đăng ký giấy phép hoạt động. Mặt khác chưa kiểm soát được nguồn thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường. 

Qua các đợt kiểm tra trong năm 2012 của các ngành chức năng đã có 1.083 cơ sở vi phạm, tỷ lệ vi phạm 19,3% và đã xử lý cảnh cáo 221 cơ sở, phạt tiền 70 cơ sở, 255 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm, 22 cơ sở bị đình chỉ lưu hành sản phẩm với tổng số 290 loại sản phẩm bị tiêu hủy. Việc ô nhiễm vi sinh vật và các hóa chất độc hại trên nông sản, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao. 

Kết quả kiểm tra, giám sát mối nguy về các chỉ tiêu VSATTP của sản phẩm lưu thông trên thị trường vẫn còn tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép trong rau chiếm 11,65%/13%, trong quả là 5%/15%; tỷ lệ sử dụng hàn the trong chế biến chả giò còn khá phổ biến, chiếm 42,35%. Đặc biệt là có đến 100% sản phẩm thực phẩm sản xuất ở trong tỉnh chủ yếu là thủ công, bán thủ công, mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp, không đảm bảo vệ sinh, dây chuyền sản xuất không đúng quy định, hệ thống cống rãnh không đảm bảo vệ sinh môi trường... Những tồn tại, hạn chế này đã và đang tạo ra mối quan ngại về chất lượng VSATTP đối với cuộc sống con người, đặc biệt là vào các thời gian cao điểm như lễ, tết đang cận kề. 

Hiện nay, Luật An toàn thực phẩm đã có hiệu lực. Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2012/NĐ-CP, ngày 25/4/2012 về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Đối với tỉnh Quảng Trị, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trực thuộc Sở Y tế và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp &PTNT được thành lập từ năm 2009 đã từng bước ổn định và hoạt động có hiệu quả. Riêng đối với Sở Công Thương, Chi cục QLTT đã thực hiện công tác thanh kiểm tra. 
Tuy nhiên đến nay Sở Công Thương vẫn chưa có tổ chức thực hiện vai trò quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm theo quy định tại khoản 5 điều 23 của Nghị định 38/2012/NĐ-CP. Đối với tuyến huyện, xã vẫn chưa có hệ thống quản lý về chất lượng VSATTP trong nông lâm thủy sản. Đặc biệt là ngành Công Thương hiện nay chưa có quy định về tổ chức bộ máy và cán bộ chuyên trách trong khi nội dung và khối lượng công việc trên lĩnh vực VSATTP là rất lớn. 

Vì vậy, để đảm bảo chất lượng VSATTP cần phải tăng cường đủ nguồn nhân lực; trang bị thêm phương tiện, thiết bị làm việc cho các cơ sở hoạt động tập trung, liên tục 24 giờ/24 giờ. Đầu tư nâng cao năng lực kiểm nghiệm của các cơ sở tạ i địa phương. Đẩy mạnh hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường tập huấn, đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ làm công tác đảm bảo chất lượng VSATTP. 

Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho mọi người và xem đây là một giải pháp cơ bản, lâu dài. Đối với người trồng trọt và chăn nuôi, nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh phải tuân thủ các quy định về VSATTP trong sản xuất và lưu hành sản phẩm đúng tiêu chuẩn và chất lượng đã công bố hoặc đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy. 

Không được sử dụng chất phụ gia ngoài danh sách cho phép, nguyên liệu, hóa chất phụ gia không có nguồn gốc rõ ràng. Đối với người tiêu dùng, phải biết tự bảo vệ mình khi chọn mua và sử dụng thực phẩm. Phải tự nghiên cứu để hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện các quy định về VSATTP. Ngoài ra cần phải kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm về ATVSTP… 

Tóm lại, việc đảm bảo chất lượng VSATTP chỉ có thể thực hiện tốt nếu có những biện pháp phù hợp, đồng bộ và quyết tâm thực hiện từ người quản lý, nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh, đến các Hội KHKT, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cả những người tiêu dùng. Vậy nên, rất cần sự phối hợp hành động để công tác đảm bảo VSATTP đi vào thực chất, có hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe cho con người và nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Nguồn tin: www.baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây