Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật vệ sinh an toàn thực phẩm

Thứ ba - 03/01/2017 20:01
Ngày 29/12/2016, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh có buổi làm việc với UBND tỉnh để giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”. Tham dự buổi làm việc về phía Đoàn ĐBQH tỉnh có đồng chí Hoàng Đức Thắng, UVTVTU, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng đoàn giám sát cùng các đồng chí đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV gồm: Hồ Thị Minh, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hướng Hóa; Mai Thị Kim Nhung, Bí thư Thành đoàn TP.Đông Hà, cùng các thành viên trong đoàn giám sát. Về phía tỉnh có đồng chí Trần Văn Thành, TUV, Giám đốc Sở Y tế cùng lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, các Sở, ban ngành liên quan.
Đồng chí Hoàng Đức Thắng, UVTVTU, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc
Đồng chí Hoàng Đức Thắng, UVTVTU, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc
Báo cáo của Sở Y tế tại buổi làm việc cho biết: Trong 5 năm qua, ngân sách trung ương và địa phương đầu tư hơn 9 tỷ đồng cho công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.
 
Trong sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, bảo quản rau, củ quả tươi và sơ chế, hầu hết đều đảm bảo chất lượng. Các hộ sản xuất, kinh doanh đều sử dụng nguồn nước tưới đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gần như không sử dụng các chất bảo quản cho rau quả, không sử dụng nước ô nhiễm để sơ chế rau.
 
Về sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất rau, củ, quả tại địa phương luôn được kiểm tra, giám sát thường xuyền. Qua kiểm tra, tỷ lệ mẫu rau không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhóm lân chiếm 96,6%, tỷ lệ mẫu rau vượt mức cho phép chiếm 3,4%.
Về sử dụng thức ăn chăn nuôi, nguồn nước, thuốc thú y, hóa chất, tăng trọng luôn được quản lý tốt. Qua kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng tại các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi công nghiệp, các trang trại chăn nuôi theo quy mô lớn chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi (Sabutamol, clenbuterol). Công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y của các huyện, thành phố, thị xã đã có những chuyển biến tích cực, sử dụng tem vệ sinh thú y đã đi vào nề nếp.
 
Trong nuôi trồng thủy sản, toàn tỉnh có 5 vùng nuôi thủy sản tập trung, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ. Các hộ chăn nuôi đều sử dụng thức ăn, thuốc thú y thủy sản, hóa chất cải tạo môi trường có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn…
 
Từ năm 2011 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra hơn 1.200 vụ và xử lý hơn 460 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, Sở Nông nghiệp và PTNT  đã thanh kiểm tra và xử phạt hành chính 192 vụ, Sở Y tế xử phạt 270 vụ vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm…
 
Bên cạnh những kết quả đạt được đó vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém trong công tác thực hiện ATVSTP như: việc xử lý vi phạm chưa kiên quyết đặc biệt ở tuyến huyện, xã, phường, thị trấn; chế tài xử phạt còn nhiều bất cập, một số hành vi chưa cụ thể và tính răn đe chưa cao; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra, giám sát về ATVSTP chưa được triển khai thường xuyên...
 
Tại buổi làm việc, các ban, ngành, cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã đề xuất nhiều ý kiến nhằm khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác đảm bảo ATVSTP. Đồng thời, giải trình, làm rõ một số nội dung mà đoàn giám sát quan tâm.  
 
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Đức Thắng, UVTVTU, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh yêu cầu: Các ban, ngành cần tiếp tục triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là những văn bản mới về an toàn vệ sinh thực phẩm. Phối hợp với mặt trận, các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và cổ động trực quan tại các địa phương. Đẩy mạnh phân cấp quản lý, tránh chồng chéo, đảm bảo nguyên tắc một sản phẩm, một cơ sở kinh doanh chịu sự quản lý của một cơ quan nhà nước. Tiếp tục rà soát các văn bản hướng dẫn của tỉnh để hướng dẫn cho các địa phương thực hiện, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý của chính quyền cấp xã. Bên cạnh đó, các ngành cần chú trọng công tác thanh kiểm tra liên ngành, có chế tài xử lý phù hợp và quan tâm hơn đến các cơ sở nhỏ lẻ, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể. Có kế hoạch kiểm tra đánh giá sơ kết, tổng kết định kỳ về công tác thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn…
 
Tiến Nhất

Nguồn tin: Web Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây