Mùa hè, uống nước như thế nào?

Chủ nhật - 26/05/2013 22:12
Mùa hè nóng bức ra mồ hôi nhiều khiến cơ thể mất nước, mất điện giải. Tuy nhiên không phải cứ uống nhiều nước là tốt, người bị suy tim mà uống nhiều thì suy càng nặng hơn.
Miền Bắc vừa trải qua đợt nắng nóng trên diện rộng đầu tiên trong mùa hè, có những hôm nhiệt độ vượt ngưỡng 40 độ C, nóng nhất suốt 30 năm qua. Thời tiết ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người, đặc biệt là trẻ em, người có bệnh mãn tính, người già.
 
Bác sĩ Đồng Văn Thành, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, số bệnh nhân đến khám hay nhập viện vì biến chứng không tăng như những đợt giao mùa hay thời tiết lạnh. Tuy nhiên, nhiệt độ cao khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu, nguy hiểm hơn là việc ra mồ hồi nhiều dẫn đến mất nước, mất điện giải gây ra các rối loạn nhịp tim, rất nguy hiểm. Dấu hiệu mất điện giải là mệt mỏi, rối loạn nhịp, mất ý thức.
Mùa hè, uống nước như thế nào? 1
Mùa hè, mồ hôi ra nhiều, nhu cầu uống nước tăng cao tuy nhiên không phải cứ uống nhiều nước là tốt. Ảnh: Hoàng Hà.
 
Đặc biệt người 60, 70 tuổi trở lên, bệnh mạch vành chiếm đến 70-80%, cơ tim lúc nào cũng thiếu máu, kèm thêm mất điện giải thì có thể xuất hiện những cơn rối loạn nhịp tim, nếu không điều chỉnh sẽ dẫn đến cơn nhịp nhanh, rất nguy hiểm. Nó có thể khiến tim ngừng đập, làm bệnh mạch vành nặng lên, thậm chí dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột tử, bác sĩ Thành khuyến cáo.
 
Vì thế, theo bác sĩ, uống nước hợp lý trong mùa hè rất quan trọng. Bình thường khuyến cáo uống 1-1,5 lít nước, mùa hè thường phải gấp đôi, tùy vào cơ địa từng người. Lượng nước này không bắt buộc với ai, có người uống không ra mồ hôi.  Uống nước đến ngưỡng thấy không hấp thụ được thì không nên tiếp tục.
 
Bệnh nhân suy tim mà uống nhiều nước làm tăng khối lượng tuần hoàn, sẽ bị suy nặng hơn. Vì thế, người suy tim nên khống chế lượng nước đầu vào, khi nào khát thì uống. Với bệnh nhân mạch vành, huyết áp thì vẫn uống nước như thường. Người không có bệnh tiểu đường thì uống sữa đậu nành, nước hoa quả.
 
Ở người già, các phản xạ đều giảm không như trẻ, phản xạ khát nước không còn, không phải ai cũng có cảm giác khát nước. Có người cả ngày chỉ uống vài chén nước chè rồi thôi. Vì thế, khuyến khích các cụ đong lượng nước cần uống vào một chai, ngày uống hết chai đấy là được.
 
Nếu phải lao động chân tay nặng nhọc trong thời tiết nắng nóng thì cần phải uống 4 cốc nước mát mỗi giờ. Không nên uống các loại chất lỏng chứa cồn hay quá nhiều chất đường bởi chúng chỉ làm cơ thể thêm mất nước. Vitamin C không làm mát mà làm nóng người, chỉ tạo cảm giác, chưa có căn cứ khẳng định uống C vào làm mát. Thay vào đó người bệnh có thể uống linh chi, râu ngô, bông mã đề vừa mát lại vừa giúp lợi tiểu, bác sĩ Thành cho biết. 
 
Theo bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), có người cố uống 2 lít nước mỗi ngày vì có lợi, đỡ chuột rút, căng da. Nếu không khát thì không uống vì khi cơ thể không dung nạp được có thể gây phù não, nhức đầu. Ngoài ra, duy trì tập thể dục rất quan trọng. Cần lưu ý tập sáng sớm, hoặc khi chiều muộn, trời mát. Người bệnh mãn tính phải uống thuốc đều, đặc biệt người già hay quên. Việc ngừng thuốc như xuống dốc mà bóp phanh lại nhả phanh.  Trời nóng quá, nếu nhà có điều kiện thì nên ở trong điều hòa, đặt nhiệt độ 27-28 độC, trời mát mới đi ra ngoài.
Theo VnExpress

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây