Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ bánh mỳ không rõ nguồn gốc

Thứ tư - 27/11/2013 21:08
Sau khi nhận được tin báo có vụ ngộ độc bánh mỳ tại thị trấn Khe Sanh, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Phòng Xét nghiệm, Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) đến hiện trường phối hợp với Trung tâm Y tế Hướng Hoá điều tra tình hình ngộ độc thực phẩm. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Y tế và sự hỗ trợ kịp thời từ Bệnh viên Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Hướng Hoá đã tiến hành điều trị và cấp cứu kịp thời tất cả các bệnh nhân nhập viện. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngộ độc cho 382 bệnh nhân là do ăn bánh mỳ nhiễm trực khuẩn samonella, một loại khuẩn có độc tố cao tại tiệm bánh mỳ Quang Trung, thị trấn Khe Sanh.
Đã từ lâu, bánh mỳ trở thành đồ ăn nhanh được bán rất phổ biến ở nhiều địa phương. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm lò sản xuất bánh mỳ thành lập và hoạt động. Tuy nhiên, vấn đề VSATTP tại các nơi sản xuất bánh mỳ dường như đang bỏ ngỏ mà vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng xảy ra tại thị trấn Khe Sanh thời gian qua là một minh chứng. Sau khi có thông tin về nguyên nhân dẫn đến ngộ độc, rất nhiều người tiêu dùng lo ngại khi sử dụng bánh mỳ. Do đây là loại thực phẩm rất khó kiểm soát từ khâu nhập nguyên liệu, chế biến cũng như các phụ phẩm đi kèm như: bánh mỳ kẹp thịt, xúc xích, ba tê, trứng... nên nguy cơ ngộ độc do khuẩn samonella là rất lớn.
 
 
Cán bộ xét nghiệm đang lấy mẫu bàn tay của nhân viên trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm
 
Để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, kịp thời phát hiện và xử lý những cơ sở sản xuất thực phẩm không đủ tiêu chuẩn, từ ngày 5/11-8/11/2013, đoàn thanh tra liên ngành VSATTP được thành lập theo Quyết định số 974/QĐ-SYT ngày 31/10/2013 của Giám đốc Sở Y tế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đợt này, đoàn tập trung kiểm tra về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kiểm tra nguồn nguyên liệu sản xuất; lấy mẫu kiểm nghiệm và xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thanh tra, đoàn đã lấy 10 mẫu bàn tay, 14 mẫu thực phẩm gửi xét nghiệm các chỉ tiêu vi sinh và làm các test nhanh xác định hàn the trong chả, test độ sạch bát đĩa bằng dung dịch iốt; test kiểm tra lượng protein tồn dư ở các dung cụ chế biến thực phẩm... và hướng dẫn, tư vấn cho các cơ sở thực phẩm thực hiện tốt các điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

 Kết quả qua đợt thanh tra đột xuất cho thấy, tổng cơ sở thanh tra là 14, trong đó có 5 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 8 cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh mỳ. Các nội dung sai phạm chủ yếu mà đoàn thanh tra phát hiện tại các cơ sở như: không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thực phẩm có 4/14 cơ sở; 5/14 cơ sở thực phẩm không có hoặc thiếu giấy chứng nhận kiến thức về VSATTP, giấy chứng nhận sức khỏe định kỳ của chủ cơ sở và người lao động; 1/14 cơ sở thực phẩm sản xuất kinh doanh bánh mỳ sai địa điểm so với hồ sơ cấp đủ điều kiện VSATTP; 4/14 cơ sở không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của nguồn nguyên liệu sản xuất; 5/14 cơ sở có điều kiện cơ sở không đảm bảo vệ sinh; 5/14 cơ sở có trang thiết bị, dụng cụ để sản xuất không đạt yêu cầu về VSATTP. Ngoài ra, có một số cơ sở người trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm không thực hiện việc mang bảo hộ lao động trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Với những vi phạm trên, đoàn thanh tra đã yêu cầu 4/14 cơ sở tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm và hoàn thiện đầy đủ các thủ tục chính trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm mới được hoạt động trở lại. Đó là những cơ sở sau: Tiệm bánh mỳ Quang Hải của chủ cơ sở Nguyễn Đức Thọ, 108 Lê Lợi, thành phố Đông Hà; Nhà hàng Pha Lê 1 của chủ cơ sở Châu Thị Ngọc Dung, 35 Nguyễn Huệ; thành phố Đông Hà; Lò bánh mỳ Quang Huy của chủ cơ sở Hồ Văn Cường, khóm Hữu Nghị, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh; Lò bánh mỳ hộ gia đình Nhan Ngọc Tuyên, khu phố 5, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh.

 Theo các chuyên gia về an toàn thực phẩm, hiện quản lý các tiệm sản xuất bánh mỳ đã khó, việc quản lý các hàng bán bánh mỳ rong lại càng khó hơn vì không thể đi vào từng ngóc ngách để kiểm tra được. Vì thế, để đảm bảo an toàn cho người dân không bị nhiễm khuẩn salmonella từ bánh mỳ thì ý thức và sự cảnh giác của người dân đối với bánh mỳ vỉa hè nói riêng và các loại thực phẩm nói chung là vô cùng quan trọng. Với nguy cơ ngộ độc từ các cơ sở chế biến không đảm bảo như hiện nay, người dân cần ý thức hơn trong quá trình sử dụng, nên lựa chọn những cơ sở sản xuất thực phẩm đủ điều kiện, có thương hiệu để đảm bảo sức khoẻ cho bản thân và gia đình, góp phần giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Tác giả bài viết: Phan Thanh Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây