10 sự kiện thu hồi sản phẩm hàng hóa nổi bật năm 2013

Thứ hai - 16/12/2013 22:35

10 sự kiện thu hồi sản phẩm hàng hóa nổi bật năm 2013

Sự kiện: Nhìn lại năm 2013 (VietQ.vn) - Năm 2013 chứng kiến nhiều vụ thu hồi hàng hóa sản phẩm kém chất lượng gây ngộ độc, tử vong hoặc ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng. Nhiều loại sản phẩm đã được thu hồi nhưng sau khi kiểm tra thì lại được khẳng định là an toàn. Dưới đây là 10 sự kiện thu hồi hàng hóa nổi bật nhất do Chất lượng Việt Nam bình chọn.
1. Thu hồi sữa nhiễm khuẩn

Chiều 6.8, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) có thông báo các doanh nghiệp không nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng nguyên liệu whey protein concentrate và các sản phẩm có chứa nguyên liệu này do Cty Fonterra (New Zealand) sản xuất. 

Ngày 11.8, việc thu hồi các lô sản phẩm nghi nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum do sử dụng nguyên liệu whey protein concentrate do Cty Fonterra, New Zealand, của Cty Danone Dumex Việt Nam và văn phòng đại diện Abbott đã coi như hoàn tất.
 

Tuy nhiên đến ngày 12.9, cục An toàn vệ sinh thực phẩm (bộ Y tế) cho biết phía bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand đã chính thức thông báo kết quả kiểm nghiệm ban đầu whey protein concentrate và các sản phẩm có chứa đạm của công ty Fonterra, New Zealand nghi bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum là dương tính giả, và các sản phẩm này hoàn toàn không bị nhiễm Clostridium botulinum.

Bộ này cũng đã rút lại các cảnh báo về an toàn thực phẩm trước đây đối với các sản phẩm có liên quan. Tại Việt Nam, liên quan đến sự việc này có 15 lô sản phẩm thức ăn công thức cho trẻ 1 – 3 tuổi Similac GainPlus Eye-Q của công ty Abbott Laboratories và một lô thực phẩm công thức dinh dưỡng Dumex Gold bước 2 cho trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi loại 800g do công ty Danone Dumex (Malaysia) sản xuất. Bộ Y tế cũng đã rút lại các yêu cầu thu hồi và cho phép lưu thông bình thường đối với các lô sản phẩm nói trên, nhưng để người tiêu dùng an tâm, đặc biệt trong trường hợp này đối tượng sử dụng là trẻ em, công ty Abbott và công ty Danone Việt Nam vẫn tiến hành tiêu hủy các lô sản phẩm đã thu hồi theo đúng quy trình.

2. Thu hồi rượu gây ngộ độc  

Từ ngày 2 đến 7/12/2013 trên địa bàn thành phố Cẩm Phả và Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra rải rác 5 vụ ngộ độc thực phẩm do rượu (15 người bị ngộ độc), làm 5 người tử vong (2 người tử vong tại nhà, 3 người tử vong tại bệnh viện).
Nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc rượu trên được xác định là do sử dụng sản phẩm “Rượu nếp 29 Hà Nội”, loại chai nhựa 2 lít có ngày sản xuất là 12/10/2013 của Công ty CP XNK 29 Hà Nội có trụ sở tại 82/310 Nguyễn Văn Cừ, phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. 

Ngày 8/12, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã ra thông báo khẩn cấp việc thu hồi, xử lý và cảnh báo đối với sản phẩm: Rượu nếp 29 Hà Nội, chai thủy tinh 750ml, ngày sản xuất: 12/10/2013; Vodka rượu nếp, chai thủy tinh 700ml, ngày sản xuất: 12/10/2013; Vang nổ đỏ, chai thủy tinh 750ml; ngày sản xuất: 12/10/2013 trên trong toàn quốc do có hàm lượng Methanol cao có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Ngày 9/12, UBND TP Hà Nội yêu cầu tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội; niêm phong sản phẩm hàng hóa, dây chuyền sản xuất, kho hàng để tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm định đánh giá chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý theo quy định. Đồng thời tịch thu, tiêu hủy, không cho phép mua bán, sử dụng các sản phẩm rượu của Công ty CP Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội có hàm lượng methanol vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Ngày đầu tiên sau khi có quyết định thu hồi, tại Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Dương, cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 21.000 bình (chai) rượu do Công ty CP Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội sản xuất.

3. Các hãng xe ô tô thu hồi xe dính lỗi

Từ 7-10, Tập đoàn ô tô Toyota Nhật Bản (TMC) chính thức thực hiện chiến dịch triệu hồi trên toàn cầu để kiểm tra và thay thế lò xo xu páp trên 4 dòng xe (Tacoma, Coaster, Land Cruiser Prado và Hiace) được sản xuất tại Nhật Bản từ ngày 24-5-2013 đến 23-10-2013.

Toyota Việt Nam (TMV) đã gửi báo cáo sơ bộ đến Cục Đăng Kiểm Việt Nam về kế hoạch thực hiện chiến dịch triệu hồi này dành cho 2 sản phẩm nhập khẩu hiện đang được phân phối chính thức bởi TMV bao gồm Land Cruiser Prado và Hiace.

Theo đó, TMV thu hồi khoảng 126 xe Hiace và Land Cruiser Prado nhập khẩu từ Nhật Bản do dính lỗi trong quá trình sản xuất. Trong năm qua, Toyota và hàng loạt hãng xe ô tô khác cũng phải tiến hành triệu hồi hàng trăm ngàn chiếc xe khác nhau do lỗi kĩ thuật.

4. Thu hồi vắc xin khiến trẻ tử vong

Văcxin Quinvaxem được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia từ tháng 6/2010. Đây là văcxin của Hàn Quốc ngừa cùng lúc 5 loại bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib và viêm gan siêu vi. Năm 2012, nhiều em bé bị tai biến sau khi tiêm văcxin này, trong đó không ít trường hợp tử vong. Bộ Y tế phải tạm ngưng chủng ngừa và thu hồi lô văcxin 5 trong 1, đồng thời yêu cầu Tổ chức Y tế thế giới và nhà sản xuất kiểm tra tính an toàn của văcxin. Phúc đáp của hai nơi này sau đó cho thấy văcxin an toàn.

Tháng 3/2013, khi bé trai 4 tháng tuổi Đinh Ngô Ngọc Vương Anh (Đà Lạt, Lâm Đồng) qua đời sau khi tiêm văcxin 5 trong 1, sự việc lại được làm nóng lên. Ngay sau đó,  toàn bộ lô văcxin 5 trong 1 chích ngừa ở Đà Lạt vào ngày 15/3 đã được thu hồi để kiểm tra quy trình bảo quản và tiêm chủng.

Tuy nhiên lại một lần nữa, vắc xin này được khẳng định là an toàn và vẫn tiếp tục được sử dụng.    

5. Thu hồi mũ bảo hiểm không đạt chất lượng

Tiêu biểu có thể kể tới vụ việc thu hồi nhiều mũ bảo hiểm có trọng lượng thấp hơn so với công bố hợp quy do Công ty Cổ phần Á Long sản xuất; thu hồi hơn 15.000 mũ bảo hiểm hết hạn chứng nhận quy chuẩn của HTX mũ bảo hiểm Song Long tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Công ty thương mại - dịch vụ Thiên Nam Hòa (Trung tâm điện máy Thiên Hòa) còn tiến hành tiêu hủy hơn 10.000 mũ bảo hiểm không đạt chuẩn.

Chương trình “Đổi mũ bảo hiểm chất lượng” cũng được nhiều cơ sở sản xuất phân phối mũ bảo hiểm tiến hành

6. Thu hồi mỹ phẩm gây hại cho da

Dòng sản phẩm làm trắng da của nhà sản xuất Kanebo Cosmetics (Nhật Bản) có chứa thành phần Rhododenol có thể gây kích ứng tạo nên nốt trắng trên da người sử dụng. Vì nguyên nhân trên nên các cơ quan chức năng quyết định thu hồi số lượng lớn các sản phẩm này.

Tại Việt Nam, việc thu hồi bắt đầu từ ngày 5/7/2013. Tổng số sản phẩm cần thu hồi là 7000 sản phẩm, với 17 chủng loại sản phẩm được nhập khẩu vào Việt Nam từ năm 2010. Đây là vụ thu hồi mỹ phẩm ngoại không an toàn đầu tiên diễn ra ở Việt Nam, do chính hãng khởi xướng.

7. Thu hồi nhiều thuốc không đạt chất lượng 

Trong suốt năm 2013, đã có nhiều vụ đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc nhiều loại thuốc kém chất lượng. Tiêu biểu nhất là những vụ thu hồi thuốc nhập khẩu có nguồn gốc Ấn Độ.

Theo đó, các loại thuốc bao gồm paracetamol infusion 10mg/ml, số đăng ký: VN-14902-12, lô sản xuất 14820496, hạn dùng: 6/12/2014 do Công ty Marck Boisciences Ltd India sản xuất, Công ty cổ phần dược liệu T.Ư 2 nhập khẩu; thuốc viên nén bao phim lodiphin-C (amlodipine besylate tablets 5mg), số đăng ký: VN-6911-08, lô sản xuất: TE 12049, hạn dùng: 15/12/2015 do Công ty Cooper Pharma India sản xuất, Công ty cổ phần tập đoàn dược phẩm và thương mại Sohaco nhập khẩu; thuốc viên nén bao phim daehwa albendazole 400mg, SĐK VN-8648-09, lô sản xuất: 2018, hạn dùng: 29/8/2015 do Công ty Daehwa Pharmaceuticals, Hàn Quốc sản xuất, Công ty TNHH một thành viên Dược phẩm T.Ư 3 nhập khẩu. Thuốc viên nén bao phim cetirizine hydrochloride 10mg, SĐK: VN-7880-09, lô sản xuất: WCH2004E, hạn dùng: 15/11/2015 do Công ty Windlas Biotech Limited India sản xuất, Công ty TNHH một thành viên T.Ư 3 nhập khẩu. Các thuốc trên đều không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan.

Bên cạnh đó có thể kể đến việc thu hồi hai loại thuốc tiêu hóa có tên Comepar và Pantilon, thuốc viên nang Nesmox – 250 (Amoxicillin BP) chống nhiễm khuẩn đều do Ấn Độ sản xuất; thuốc viên nén bao phim Daehwa Albendazole 400mg, SĐK: VN-8648-09, Lô SX: 2018; Hạn dùng: 29/08/2015 do Công ty Daehwa Pharmaceuticals, Hàn Quốc sản xuất, Công ty TNHH MTV dược phẩm TW3 nhập khẩu.

Ngoài ra, ba loại thuốc kháng sinh gồm Acicef-200, Azissel 250 và Alphachymotrysin cũng có quyết định ngừng ngay sản xuất, thu hồi, cấm tiêu thụ và sử dụng cho người dân vì các loại thuốc này kém chất lượng.

8. Thu hồi giấy phép doanh nghiệp lắp đặt “hộp đen” mắc lỗi

Bộ GTVT đã có các thông báo thu hồi giấy chứng nhận thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) của một số doanh nghiệp lắp đặt hộp đen.

Cụ thể, Công ty TNHH thương mại và xuất nhập khẩu Thủy Thành bị thu hồi giấy chứng nhận đã được cấp với sản phẩm nhãn hiệu ThuyThanh, kiểu loại ThuyThanh - 900A. Công ty CP định vị Nhật An bị thu hồi giấy chứng nhận với sản phẩm nhãn hiệu NHAT AN, kiểu loại N/A-01.

Từ ngày 18.11, hai loại thiết bị trên không được phép lắp đặt mới trên các phương tiện vận tải. Hai công ty này phải chịu trách nhiệm đảm bảo duy trì hoạt động thiết bị hộp đen theo đúng yêu cầu quy định và tiếp tục bảo hành, cung cấp các dịch vụ liên quan đã lắp đặt.

9. Thu hồi sách

Đầu tháng 6, nhiều cuốn sách dạy vẽ theo phong cách Nhật Bản của NXB Hồng Đức đã bị thu hồi do có nội dung dạy vẽ gợi dục, bạo lực, không phù hợp lứa tuổi.

Đồng dao dành cho trẻ mầm non là bộ sách tranh 6 tập gồm nhiều bài đồng dao quen thuộc, được họa sĩ Minh Kiên minh họa. Bộ sách do nhà xuất bản Mỹ thuật và công ty Văn hóa Đinh Tị phát hành. Khi đưa ra thị trường, đã có những ý kiến của độc giả, là các bậc phụ huynh, cho rằng sách có những nội dung không hợp lý, không phù hợp với lứa tuổi mầm non.

Cuối tháng 11, sau khi nhận được phản hồi của độc giả và đọc bản lưu chiểu, đại diện nhà xuất bản Mỹ thuật đã ra công văn yêu cầu đơn vị liên kết phát hành là Nhà sách Đinh Tị thu hồi cuốn sách.

10. Thu hồi nước lau sàn Sofix Parquet chứa vi sinh vật độc

Tháng 10, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) ra thông cáo cho biết sản phẩm nước lau sàn gỗ Sofix Parquet 3 in 1 (dung tích 1000 ml) của Henkel nước lau sàn gỗ Sofix Parquet 3 in 1 của Tập đoàn Henkel có chứa một số vi sinh vật có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng có hệ thống miễn dịch yếu khi sản phẩm dính vào tai, mắt, miệng hoặc vết thương hở.

Sản phẩm này có xuất xứ từ Đức, do Công ty TNHH Thương mại Song Hằng nhập khẩu và phân phối chính thức. Sau khi phát hiện sản phẩm nguy hại với người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh đã yêu cầu đơn vị phân phối thu hồi sản phẩm đã bán ra thị trường và hoàn tiền cho khách hàng. Liền sau đó đã có 3 đợt thu hồi liên tiếp được tiến hành.

Chất lượng Việt Nam

Nguồn tin: VietQ.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây