Chủ động giám sát mối nguy góp phần đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm

Thứ sáu - 01/08/2014 05:05
Trong khuôn khổ Dự án phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm do Bộ Y tế triển khai, năm 2014, chương trình chủ động giám sát mối nguy thực phẩm đã được Chi cục ATVSTP tỉnh chọn làm giải pháp trọng tâm ưu tiên thực hiện nhằm góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm cũng như các bệnh lây truyền qua thực phẩm đối với cộng đồng.
Ảnh giám sát mối nguy
Ảnh giám sát mối nguy
Được biết, trong năm nay, chương trình giám sát chủ động mối nguy chủ yếu tập trung thực hiện trên 5 loại thực phẩm tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ dễ gây ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng gồm bánh mì, nhân bánh mì, kem, nước đá và nước uống đóng chai thông dụng trên địa bàn. Đây cũng chính là nhóm thực phẩm được ghi nhận đã làm phát sinh các vụ ngộ độc thực phẩm trong năm 2013. Hoạt động chủ yếu của chương trình giám sát chủ động mối nguy năm nay được phân cấp thành 02 tuyến, trong đó các đơn vị tuyến huyện phụ trách giám sát, lây mẫu mặt hàng thuộc nhóm thức ăn nhanh; Tuyến tỉnh do Chi cục ATVSTP phụ trách giám sát, lấy mẫu nhóm mặt hàng sản xuất với mục đích kịp thời phát hiện, phòng ngừa và ngăn chặn các nguy cơ ngộ độc thực phẩm cũng như những bệnh lây truyền qua thực phẩm; đồng thời đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp, khắc phục sự cố về ATTP và cung cấp thông tin cảnh báo ATTP cho người tiêu dùng.

Để thực hiện có hiệu quả chương trình chủ động giám sát mối nguy, hàng tháng, Chi cục ATVSTP đã phối hợp với Ban chỉ đạo ATTP các huyện, thị xã và thành phố triển khai công tác giám sát và lấy mẫu mối nguy làm test nhanh và gửi đơn vị chuyên trách là Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh theo kế hoạch phân công cụ thể cho từng đơn vị. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2014, các đơn vị liên quan đã phối hợp thực hiện giám sát trên tổng số 159 mẫu với tỷ lệ mẫu xét nghiệm có kết quả không đạt là 25 mẫu, chiếm gần 16 %. Nguyên nhân chủ yếu được xác định do mẫu sản phẩm nhiễm vi sinh vật và sử dụng các loại phụ gia độc hại không được phép dùng trong thực phẩm như hàn the. Thông qua kết quả xét nghiệm mẫu giám sát, tùy thuộc vào mức độ vi phạm của các cơ sở, Chi cục ATVSTP tỉnh sẽ tiến hành thông báo cho các đơn vị liên quan triển khai tuyên truyền, hướng dẫn các điều kiện vệ sinh ATTP. Đồng thời thực hiện công tác giám sát tăng cường và tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm để đánh giá mức độ ảnh hưởng của sản phẩm trên thị trường nhằm bảo vệ sức khỏe người dân trước những sản phẩm không đạt chỉ tiêu đảm bảo ATTP. Bên cạnh công tác kiểm tra giám sát, nhằm tăng hiệu quả đồng bộ cho chương trình này, Chi cục ATTP tỉnh còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức những đợt truyền thông trực tiếp, các lớp tập huấn phổ biến kiến thức, cung cấp thông tin cảnh báo về các mối nguy cũng như biện pháp phòng ngừa cho các đơn vị sản xuất, buôn bán kinh doanh, những đơn vị có bếp ăn tập thể cũng như toàn thể cộng đồng. Trong đó, đáng kể nhất là là việc cập nhật thông tin cảnh báo công khai những sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm lên trang Web của đơn vị. Việc làm này không chỉ giúp người dân có thể tiếp cận nắm bắt thông tin trước khi chọn lựa và sử dụng thực phẩm mà còn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trước sức khỏe cộng đồng.

Trao đổi với chúng tôi về vai trò của chương trình giám sát mối nguy chủ động, ông Hồ Sỹ Biên- Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Ý nghĩa quan trọng nhất của chương trình phòng chống ngộ độc chủ động này chính là việc kịp thời phát hiện và đưa ra các thông tin cảnh báo chính xác về mối nguy thực phẩm không đảm bảo cho các đơn vị sản xuất, buôn bán kinh doanh và đặc biệt là cảnh báo cho cộng đồng. Từ những thông tin này, các cơ sở sản xuất kinh doanh, người buôn bán sẽ phải điều chỉnh hoạt động cho phù hợp các quy định của luật ATVSTP. Riêng người tiêu dùng sẽ có thông tin chính xác trong việc nhận diện các sản phẩm không an toàn trên thị trường nhằm phòng tránh được nguy cơ có thể bị ngộ độc cũng như mắc các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Tuy nhiên, điều đáng tiếc ở đây là do nguồn kinh phí cho chương trình năm nay bị cắt giảm nên phạm vi áp dụng bị thu hẹp, chương trình chỉ hạn chế thực hiện trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Điều này làm cho chương trình chưa thực sự phát huy hết hiệu quả trong thực tiễn.
Mặc dù gặp không ít khó khăn song có thể nói, từ sự đóng góp tích cực của chương trình giám sát chủ động mối nguy thực phẩm trong 6 tháng đầu năm, đã không có một vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh, nhiều mối nguy thực phẩm đã được phát hiện kịp thời và chủ động cảnh báo cộng đồng.  
       Lam Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây