Hoang mang về hóa chất trong bao bì thực phẩm

Chủ nhật - 23/02/2014 20:59
Hiện có ít nhất 4.000 hóa chất được sử dụng làm bao bì thực phẩm.
Những hóa chất trong bao bì thực phẩm có thể gây tác hại lâu dài tới sức khỏe người dùng
Những hóa chất trong bao bì thực phẩm có thể gây tác hại lâu dài tới sức khỏe người dùng

Nhóm nghiên cứu người Anh cảnh báo về những hóa chất trong bao bì thực phẩm có thể gây tác hại lâu dài tới sức khỏe người dùng, kêu gọi khảo sát rõ vấn đề này. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc khảo sát rất khó thực hiện và cảnh báo như vậy có thể gây hoang mang.

Trong nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học và Sức khỏe Cộng đồng, các nhà khoa học Jane Muncke, John Peterson Myers, Martin Scheringer và Miquel Porta kêu gọi điều tra về những nguy cơ cho sức khỏe của hóa chất đóng gói thực phẩm, cho rằng những nguy cơ đó là không nhỏ.

Các nhà khoa học cho rằng mối liên quan giữa hóa chất trong bao bì với chứng béo phì, đái tháo đường và các bệnh về thần kinh cần được khảo sát tỉ mỉ. Hiện có ít nhất 4.000 hóa chất được sử dụng làm bao bì thực phẩm.

Các tác giả cho rằng dạng hóa chất như formaldehyde có thể gây ung thư được sử dụng làm chất liệu nhựa đóng gói thức ăn, chai đựng nước uống và đồ dùng trên bàn ăn. Họ cho rằng các hóa chất đó có thể ngấm vào thực phẩm và người tiêu dùng có thể bị “phơi nhiễm suốt đời” với hóa chất gây nguy cơ cho sức khỏe.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng những nghiên cứu phân tích về nguy cơ cho sức khỏe khó thực hiện vì không có nhóm dân cư không bị phơi nhiễm để đối chiếu.

TS dược lý học Ian Musgrave, thuộc ĐH Adelaide, ở Úc, cho rằng cảnh báo khả năng gây ung thư từ chất formaldehyde từ bao bì ngấm vào thực phẩm là thổi phồng quá đáng. GS y học môi trường và hô hấp Jon Ayres, tại ĐH Birmingham (Anh), nói rằng các tác giả nói trên đã “vẽ nên bức tranh gây hoang mang”.

GS Ayres nói rằng không thể chối cãi việc ăn vào liều lượng thấp một số hóa chất nào đó “trên nguyên tắc là có hại” nhưng vấn đề làm thế nào nhận biết và định lượng tác hại đó.

Trong khi đó, TS Oliver Jones, thuộc ĐH RMIT tại TP Melbourne – Úc, nói: “Những nghiên cứu thêm về quan điểm của các nhà khoa học nói trên luôn được hoan nghênh. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng việc tiêu thụ hằng ngày nhiều chất béo, đường và muối trong các thực phẩm được chế biến sẵn là điều đáng lo hơn sự thẩm thấu những hóa chất từ bao bì”

Tr. Lâm (Theo BBC)

Nguồn tin: Người lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây