Nâng cao nhận thức trong sử dụng thực phẩm sạch, an toàn

Thứ ba - 21/04/2015 00:02
Rau, thịt được xem là nguồn thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Việt. Tuy nhiên vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các loại thực phẩm này còn nhiều khó khăn, nhất là việc kiểm soát dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh, hóa chất bảo quản trong rau, quả, thịt gia súc, gia cầm. Đây chính là mối nguy cơ đe dọa đến sức khỏe của người tiêu dùng, tác động xấu đến sự phát triển sản xuất, làm giảm khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm nông nghiệp.
Ảnh: Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản kiểm tra điều kiện ATTP các lò mổ trên địa bàn thành phố Đông Hà.
Ảnh: Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản kiểm tra điều kiện ATTP các lò mổ trên địa bàn thành phố Đông Hà.
         Do vậy, làm thế nào để hạn chế ngộ độc thực phẩm, nâng cao hiểu biết của người dân trong vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang là vấn đề mà xã hội cần quan tâm. Đối với tỉnh Quảng Trị, được sự quan tâm của các cấp, ngành liên quan, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trên lĩnh vực nông lâm sản và thủy sản thời gian qua đã có sự chuyển biến rõ nét.
 
          Chúng tôi có mặt tại HTX Nông nghiệp Đông Thanh (thành phố Đông Hà). Với tổng diện tích canh tác là 260 ha, trong đó có 60 ha chuyên sản xuất rau, hoa. Trước nhu cầu rau sạch của người tiêu dùng đang ngày càng tăng cao, người trồng rau ở đây đã dần nâng cao ý thức canh tác và trình độ thâm canh để sản xuất rau sạch, đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường. Việc trồng rau sạch đã được nông dân trồng quanh năm tạo ra nguồn thu khá ổn định, góp phần nâng cao thu nhập và tạo việc làm thường xuyên, đặc biệt rút ngắn đáng kể thời gian nông nhàn. Từ vài ha ban đầu, đến nay, diện tích rau sạch của HTX đã tăng lên 19 ha. Nhờ xây dựng được thương hiệu rau sạch nên sản phẩm rau, củ quả của HTX không chỉ tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn tỉnh mà đã có mặt trong siêu thị Co.opmark Đông Hà. Ông Phạm Văn Tường - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Đông Thanh cho biết: "Hàng năm HTX tổ chức tập huấn cho bà con kỹ thuật sản xuất rau an toàn, thường xuyên có cán bộ hỗ trợ cho xã viên cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại phân bón. Ngoài ra HTX còn kết hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh thường xuyên kiểm tra nếu hộ nào vi phạm thì chúng tôi nhắc nhở, nhờ vậy mà các hộ xã viên luôn tuân thủ theo quy trình sản xuất rau an toàn".

          Không chỉ nâng cao ý thức trong sản xuất rau sạch, trên lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất thịt gia cầm, gia súc người dân cũng đã có sự chuyển biến nhận thức rõ nét. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số cơ sở lò mổ, sản xuất kinh doanh chả trên địa bàn thành phố Đông Hà những năm trở lại đây, các cơ sở trên đã thay đổi nhận thức trong việc đưa hóa chất vào thực phẩm. Hiện nay, đa số các cơ sở đã sử dụng các phụ gia thực phẩm sạch, có xuất sứ và kiểm định rõ ràng được Bộ Y tế cho phép trong chế biến thực phẩm. Bà Trần Thị Kim Anh, khu phố 9, phường 5, thành phố Đông Hà cho biết: "Tôi sản xuất chả đã 25 năm nay, trong quá trình làm chả tôi luôn lựa chọn thịt rõ nguồn gốc, có kiểm dịch của thú y, sử dụng các chất phụ gia được ngành Y tế cho phép. Ngoài ra, công tác đảm bảo vệ sinh luôn được cơ sở quan tâm thực hiện nhằm hướng đến mục đích đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”.

          Có thể thấy, ATTP là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, thực phẩm an toàn đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khoẻ con người, chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi. ATTP không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe con người mà còn liên quan chặt chẽ đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu của con người ngày một tăng cao thì vấn đề VSATTP đang đặt ra nhiều vấn đề cần được quan tâm, đặc biệt việc sử dụng hoá chất cấm dùng trong nuôi trồng, chế biến nông thủy sản, thực phẩm đang gây ảnh hưởng xấu đến tiêu dùng nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng. Xung quanh việc quản lý chất lượng nông lâm thủy sản vẫn tồn tại nhiều khó khăn vì tình trạng phân bón, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thậm chí cả hàng giả vẫn đang lưu hành, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sản xuất và người tiêu dùng vẫn hoang mang về thực phẩm mất an toàn. Một bộ phận nhỏ các cơ sở chế biến thực phẩm, vì lợi nhuận trước mặt đã sử dụng những chất phụ gia thực phẩm, chất bảo quản với giá rẻ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Với chức năng là cơ quan quản lý chất lượng VSATTP, sản phẩm nông lâm sản và thủy sản, thời gian qua Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã thực hiện khá tốt công tác đảm bảo VSATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thì việc quản lý chất lượng VSATTP vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định, với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ sản xuất còn hạn chế nên khi người dân đưa sản phẩm ra thị trường đều không có thói quen lưu giữ hồ sơ. Do vậy, khi xảy ra vi phạm về VSATTP thì cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo bất cập, đặc biệt là văn bản về thanh tra chuyên ngành nên công tác xử phạt còn gặp nhiều khó khăn.

Nhằm tạo chuyển biến rõ nét về đảm bảo VSATTP nông lâm thủy sản trọng tâm là sản phẩm rau, thịt và thủy sản nuôi, năm 2015 được Bộ NN&PTNT chọn là VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2015 (từ ngày 15-4 đến 15-5/2015) sẽ tập trung vào các hoạt động nhằm nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo đó, toàn tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối cung cấp thực phẩm tiêu dùng hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các ngành chức năng được phân cấp sẽ tổ chức thanh tra chuyên ngành lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đối với các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, sản xuất rau tập trung, cơ sở chế biến chả trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sẽ kiểm tra điều kiện sản xuất rau và thịt, trang thiết bị, cơ sở vật chất, con người, các loại giấy phép liên quan... Lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc BVTV trong rau, kiểm tra hóc môn tăng trọng sử dụng trong chăn nuôi, kiểm tra hóa chất bảo quản, chế biến thịt với cơ sở sản xuất chả. Bà Lê Thị Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết thêm:"Trong thời gian tới, Chi cục sẽ tăng cường công tác truyền thông, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm điều kiện VSATTP, hoặc những sản phẩm có chứa các chất độc hại. Tiếp tục phát triển mô hình sản xuất nông lâm thủy sản an toàn, giúp người dân nhận thức được vấn đề ATTP và đưa ra thị trường các sản phẩm ngày càng an toàn hơn".

Có thế thấy, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đã và đang được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm và kết quả triển khai đã đạt được những kết quả tích cực, làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, cơ sở sản xuất, kinh doanh và tạo được sự đồng tình của dư luận xã hội./.
Bài, ảnh: Phan Thanh Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây