Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm

https://antoanthucpham.quangtri.gov.vn


Ngộ độc do ăn quả ngô đồng và triển khai các biện pháp cấp bách phòng ngừa ngộ độc do độc tố tự nhiên ở một số loài cây.

Trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ ngộ độc do ăn các loại quả của một số loài cây, hoa có trong khuôn viên tại các cơ sở giáo dục làm ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở. Nguyên nhân do trong các loài cây, hoa này được trồng làm cảnh hoặc mọc hoang dại có chứa các hợp chất hữu cơ có khả năng gây độc cho cơ thể khi ăn phải.

Chỉ trong tháng 4 thôi mà có tới bốn vụ ngộ độc do ăn phải quả cây ngô đồng được trồng ở sân trường khiến hơn 120 học sinh ở ba tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Trị phải vào bệnh viện cấp cứu. Vụ việc xảy ra khiến không ít phụ huynh lo lắng.

Chiều 10/04/2017, hơn 12 em học sinh Trường tiểu học Tân Giang (TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) tụ tập chơi trước sân trường. Thấy một số quả của cây ngô đồng rụng xuống, cả nhóm lấy đập hạt ăn.về nhà thì có triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng. 12 em được chuyển đến Khoa Cấp cứu - Chống độc BV Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cấp cứu.

Cấp cứu trẻ bị ngộ độc tại Hà Tĩnh

Tám ngày sau tại tỉnh Quảng Trị ngày 18/04/2017 ở trường mân non xã Triệu Đông huyện Triệu Phong có 16 em học sinh lớp mẫu giáo lớn bị ngộ độc do ăn phải hạt của cây ngô đồng trước sân trường.

Quả ngô đồng được hái tại trường mần non xã Triệu Đông (Quảng Trị)

Tiếp theo đó ngày 20/04/2017, tại Trường Tiểu học Nghi Hòa (thị xã Cửa Lò, Nghệ An), trong giờ ra chơi, hơn 50 học sinh đã rủ nhau hái quả cây ngô đồng mọc ở  đằng sau trường để ăn sau đó bị ngộ độc và được đưa đi cấp cứu kịp thời.

Truyền nước cấp cứu ngô độc tại Trường Tiểu học Nghi Hòa (Nghệ An)

Hai ngày sau củng tại tỉnh Nghệ An vào chiều ngày 22/04/2017, tại trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Quỳ Châu, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) có trường có 37 em học sinh bị ngộ độc do ăn quả ngô đồng. Qua kiểm tra, học sinh bị ngộ độc chủ yếu là khối lớp 6 và lớp 7. Theo các em cho biết, buổi chiều cùng ngày, các em đã ăn hạt của quả cây ngô đồng trong trường.

Bác sĩ thăm khám cho một nam sinh bị ngộ độc do ăn phải quả Ngô đồng ở Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra trường hợp ngộ độc do ăn phải quả ngô đồng mà trước đó cũng đã có rất nhiều vụ ngộ độc xảy ra. Theo tìm hiểu và được biết, ngô đồng thật ra có tên là cây ba đậu tây hoặc vông đồng, tên khoa học là Hura crepitans, thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae.

Ngoài hạt có chứa độc, nhựa cây ba đậu tây cũng có thể làm sưng đỏ mắt nếu vô ý để nhựa bắn vào mắt, chúng có thể gây ra hiện tượng kích ứng ở da khi tiếp xúc trực tiếp.

Cây và quả ngô đồng

Theo một số em học sinh ở tỉnh Nghệ An cho biết, các em rủ nhau ăn quả ngô đồng vì nó giống với quả óc chó ăn vào cho thông minh hơn.

 
Quả và hạt cây ngô đồng

Khi chín già, vỏ quả ngô đồng màu xám, hình dáng giống với quả óc chó, đây là lí do khiến nhiều người ăn nhầm.

Quả óc chó

Theo một số em học sinh ở tỉnh Quảng Trị thì quả ngô đồng khi chín nhặt lên ném vào tường sẽ có một tiếng nỗ nghe rất sướng tai sau đó hạt văng ra và các em nhặt để ăn. Vì vậy

Để chủ động dự phòng ngộ độc, bảo đảm sức khỏe cho học sinh, và toàn thể người dân Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đề nghị.

1. Chỉ đạo Phòng Giáo dục các huyện, thị, thành phố, các trường học rà soát, thu gom, xử lý ngay các quả còn sót trên cây Ngô đồng; loại bỏ ngay các loại cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc được trồng với mục đích làm cảnh hoặc mọc hoang dại trong khuôn viên trường; Riêng các loại cây cổ thụ hiện có ở sân trường như cây Ngô đồng và một số loài cây khác trồng với mục đích học tập, nghiên cứu thì cần có biển cảnh báo và biện pháp kiểm soát an toàn phù hợp với từng loại cây.

2. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc các độc tố tự nhiên cho các em học sinh; khuyến cáo cho các em tuyệt đối không ăn các loại lá, hoa, quả lạ từ các cây mọc hoang dại, cây mọc ở chùa, đình, làng, đặc biệt là cây mọc tại khuôn viên trường học.

            3. Thường xuyên giám sát, phát hiện sớm những vấn đề bất thường về sức khỏe nghi ngờ do ăn phải các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc và thông báo với cơ sở y tế gần nhất để phối hợp xử lý kịp thời. 

Dưới đây là một số các loài cây, hoa có chứa các hợp chất có khả năng gây ngộ độc thường gặp khi ăn phải như:

 

Cây lá ngón (Gelsemium elegans) có chứa alcaloid độc.

Cây cà độc dược (Datura alba Lour)… có chứa alcaloid độc.

Cây trúc đào (Nerium oleander  L.) có chứa Glycosid tim độc.

Ăn phải cây trúc đào có thể gây ra các triệu trứng tiêu hóa như buồn nôn, tiết nhiều nước bọt, tiểu chảy.  Các chuyên gia khuyên trong mọi trường hợp phải đưa bệnh nhân tới bệnh viên ngay lập tức, thực hiện kích thích gây nôn và rửa ruột

Cây thông thiên (Thevetia peruviana (Pers.) K. Schum.); có chứa Glycosid tim độc.

Cây đai vàng (Dây huỳnh, Huỳnh anh) (Allamanda cathartica L.); có chứa Glycosid tim độc.

Cây bông tai Asclepias có chứa Glycosid tim độc.

Ở Việt Nam, cây thường được trồng vì hoa có dạng như cái hoa tai, nhưng các chuyên gia cảnh báo cây có độc nên phải thận trọng khi trồng.

Cây thầu dầu (Ricinus communis L.) có chứa Protein độc (Toxalbumin ).

Cây ngô đồng (Jatropha podagrica)… có chứa Protein độc (Toxalbumin ).

 

Tác giả bài viết: Quang Duy – Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây