Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm

https://antoanthucpham.quangtri.gov.vn


Đảm bảo Vệ sinh an toàn thực phẩm mùa hè

Mùa hè với thời tiết nắng nóng dễ làm cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển mạnh và lây nhiễm vào thực phẩm, khi chúng ta ăn phải những loại thức ăn này sẽ dễ dẫn đến ngộ độc và thường là tình trạng ngộ độc cấp với các dấu hiệu lâm sàng: Đau đầu hoa mắt, chống mặt, nôn mữa, đau bụng, ỉa chảy mất nước, nếu mất nước nặng có thể gây trụy mạch và có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy bảo đảm thực phẩm an toàn là điều rất quan trọng nhất là trong mùa hè.
Sau đây là một số biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể giúp bạn phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm.

 

1. Chọn thực phẩm an toàn :

 

Cần lưu ý chọn các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và bảo đảm vệ sinh

 

- Chọn các loại rau quả tươi, không bị dập nát, không có màu sắc, mùi vị lạ.

 

- Chọn các loại phủ tạng, thịt tươi và thủy sản đang sống hay vừa mới chết nhưng vẫn đạt các tiêu chuẩn cá tươi, giữ màu sắc bình thường, không có mùi ươn hôi.

 

- Chọn trứng: vỏ trứng màu sáng, không có những vệt xám đen, không bị giập. Quả trứng có màu hồng trong suốt khi soi qua ánh sáng.

 

- Chọn thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn phải có nhãn ghi đầy đủ nội dung: tên sản phẩm, trọng lượng, các thành phần chính, cách bảo quản, sử dụng, nơi sản xuất chế biến, có số đăng ký sản xuất và còn thời hạn sử dụng.

 

2. Các loại thực phẩm không nên sử dụng:

 

- Thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là các loại ngũ cốc, hạt có dầu như đậu, lạc mốc có chứa độc tố vi nấm rất nguy hiểm.

 

- Chất bảo quản, phẩm màu, đường hóa học đóng gói không có nhãn hoặc gói bằng giấy bán lẻ ở chợ và những cơ sở không đăng ký để chế biến thực phẩm.

 

- Thực phẩm còn nghi ngờ, chưa biết rõ nguồn gốc.

 

3. Thực hiện tốt quy trình bảo quản, chế biến thực phẩm:

 

- Giữ thức ăn trong tủ lạnh

 

- Nấu chín và rửa tay sạch sẽ

 

- Dùng đĩa bát và dụng cụ nấu ăn riêng biệt giữa đồ sống và thức ăn đã nấu chín. Nhất là dao thớt đã thái đồ sống tuyệt đối không dùng thái đồ chín cho dù đã được bạn rửa sạch. Tốt hơn là bạn nên có hai loại thớt: một để chuyên dùng thái đồ tươi sống và một để thái thức ăn đã chín.

 

- Mặc dù thức ăn được bảo quản tủ lạnh cũng không nên để thức ăn lâu quá 2 giờ và nếu thức ăn để bên ngoài thì không nên để quá 1 giờ.

 

- Khi đi mua thịt về bạn nên để lạnh trước khi chế biến. Vì thường sau khi mua thịt, bạn sẽ mất một khoảng thời gian đem thịt từ chợ về nhà rồi thời gian chờ trước khi chế biến, cộng thêm với việc để trong túi nilông và thời tiết nóng nực này sẽ làm thịt mất tươi ngon.

 

- Rửa tay thật sạch bằng xà phòng và nước nóng ấm khi chế biến thực phẩm để phòng nhiễm khuẩn. Nếu bạn chỉ rửa qua loa dưới vòi nước chảy trong vài giây thì không đủ đề rửa trôi hết vi khuẩn và từ đây vi khuẩn có thể lây nhiểm vào thức ăn nhất là thức ăn đã qua chế biến.

 

4. Thực hiện “10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn” trong chế biến thực phẩm.

 

- Chọn thực phẩm an toàn.

 

- Nấu kĩ thức ăn.

 

- Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín.

 

- Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín.

 

- Đun kĩ lại thực phẩm trước khi ăn.

 

- Không để lẫn thực phẩm sống và chín.

 

- Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ.

 

- Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ.

 

- Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các loài động vật khác.

 

- Sử dụng nguồn nước sạch.

 

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm có thế xẩy ra nhất là bệnh tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả. Mọi người cần nâng cao ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt, tuyệt đối không nên ăn rau sống.

Tác giả bài viết: BS Hồ Sỹ Biên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây