Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm

https://antoanthucpham.quangtri.gov.vn


Ngộ độc do ăn nấm rừng

Năm 2016, trên địa bàn huyện Hướng Hóa những cơn mưa liện tục xuất hiện trong những ngày cuối tháng 6 đầu tháng 7 đã tạo điều kiện thuận lợi để các loại nấm hoang dại mọc ở khắp nơi, nhất là trên nương rẫy. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nấm là món ăn khoái khẩu, đặc biệt là trong những lúc thiếu thức ăn hoặc lúc đi làm rẫy phải ở lại trong các chòi trên nương.
Và hệ lụy là do thiếu kiến thức và không biết phân biệt được loại nấm nào ăn được và loại nấm nào là nấm độc, nên đã xảy ra các vụ ngộ độc nấm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người.

Theo báo cáo của TTYT huyện Hướng Hóa, tại gia đình ông Hồ Văn Nguôn thôn PrinC xã A Dơi huyện Hướng Hoá đã xảy ra 1 vụ ngộ độc nấm vào lúc khoảng 12 giờ  ngày 01/7/2016, gồm có 06 người ăn và cả 06 người đều bị ngộ độc.

Đến khoảng 12 giờ 30 phút cùng ngày, cả 06 người đều xuất hiện triệu chứng đau quặn bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài phân lỏng tóe nước, đau đầu, người mệt lả nên đến trạm y tế xã A Dơi khám và điều trị. Trong đó có 02 bệnh nhân được cho uống nước đường thì hồi phục, tình trạng sức khỏe ổn định nên cho về nhà, còn 04 bệnh nhân nặng hơn, sau khi sơ cấp cứu tại trạm Y tế đã chuyển đến các bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cấp cứu điều trị kịp thời.
 

 
Qua quá trình điều tra bệnh nhân, loại nấm gây ra vụ ngộ độc này có hình dáng giống loại nấm ô tán trắng phiến xanh. Được biết năm nay sau những trận mưa, nấm mọc nhiều, bà con dân tộc đã hái và chế biến làm thức ăn.

Trước thực trạng nêu trên, Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Trị khuyến cáo người dân:

- Chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được.

- Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả...

- Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ.

- Không hái nấm non chưa xoè mũ vì chưa bọc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc.

- Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.

- Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.

Khi bị ngộ độc nấm cần phải đưa tất cả những người bị ngộ độc và cả người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến các cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và cấp cứu kịp thời.

 Bên cạnh đưa ra khuyến cáo với người dân, ngành chức năng cũng đề nghị các địa phương, đơn vị phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về nấm bằng tiếng Ba Cô, Vân Kiều, ..... trên sóng phát thanh nhằm phổ biến rộng rãi các thông tin phân biệt nấm độc tới người dân để bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc do nấm độc.
                                                                                            Quang Duy
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây