Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm

https://antoanthucpham.quangtri.gov.vn


Ngộ độc thực phẩm do cá nóc và cách phòng tránh

Biển Việt Nam có 66 loài cá nóc thuộc 12 giống và 4 họ, phân bố dọc bờ biển từ Bắc vào Nam, tập trung nhiều ở ven biển miền Trung. Cá nóc sống ở tầng đáy và sát đáy, nơi có nhiều cát, bùn cát, vụn san hô, đôi khi có cả ở cửa sông, nước lợ. Mùa xuất hiện cá nóc ở Việt Nam gần như quanh năm nhưng nhiều nhất từ tháng 5-6 và tháng 9-10.
Cá nóc chứa chất độc chết người Tetrodotoxin
Việc đánh bắt và buôn bán cá nóc khi chưa hiểu rõ về loài cá này đã gây ra nhiều ca tử vong trên cả nước vì ngộ độc do ăn phải loài cá này.
Cá nóc thường dễ nhận biết, thân ngắn từ 4-20cm, chắc, thường có nhiều màu sắc khác nhau, da cứng cáp, vẩy ngắn. Đầu cá to, mắt lồi, không có vẩy lưng và bụng, nhưng lởm chởm đầy gai, bụng cá thường to tự phình lên như quả bóng, nằm ngửa tự trôi theo dòng nước. Tuy nhiên khi phơi khô các nóc lẩn lộn với các loài các khác cùng kích thước thì rất khó nhận biết.
Chất độc của cá Tetrodotoxin tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, tinh hoàn và nhiều nhất ở trứng cá, vì vậy con cái độc hơn con đực và đặc biệt mùa sinh sản. Tetrodotoxin là một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1000 lần so với Cyanua. Khi đun sôi ở nhiệt độ 100°C trong 6 giờ độc tố Tetrodotoxin mới giảm đi 50%, nó chỉ mất đi khi đun sôi ở 200°C trong 10 phút. Như vậy, nếu chỉ đun nấu thông thường, ngộ độc cá nóc vẫn có thể xảy ra, do độc tố chưa bị phá huỷ hết. Khi phơi khô, chế biến thông thường độc tố chưa bị phá huỷ nên vẫn gây ngộ độc.
ca noc phoi kho
Cá nóc phơi khô không loại bỏ được hết chất độc


 
Triệu chứng khi trúng độc cá nóc.
Người ăn phải cá nóc có độc tố Tetrodotoxin, sau 5 phút đến 3-4 giờ mới xuất hiện cảm giác ngứa ở miệng; môi, lưỡi tê, khó chịu. Tiếp theo thấy mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực, vã mồ hôi, tiết nước dãi, sùi bọt mép, nói khó, nuốt khó, mặt ủng đỏ, đau bụng, buồn nôn, nôn, run giật, cứng hàm, cứng lưỡi, chi dưới yếu, đồng tử co, liệt vận động nhãn cầu. Trường hợp nặng xuất hiện liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, truỵ tim mạch và tử vong. Tỷ lệ tử vong rất cao (60%) nếu cấp cứu chậm.
ca noc mien trung
Cá nóc được đánh bắt tại vùng biển miền Trung


Biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do cá nóc.
1. Đối với ngư dân:
Nhận biết được các loại cá nóc và loại bỏ ngay các nóc ra khỏi các loại cá khác khi kéo lưới, từ các tàu giã cào hoặc thu gom cá tại bãi các.
Không bán cá nóc và các sản phẩm từ cá nóc.
2. Đối với người chế biến cá:
Không phơi khô cá nóc lẫn cá thường để bán.
Không làm chả cá nóc để bán.
Không làm cá nóc đông lạnh hoặc bất cứ hình thức nào để bán.
Loại bỏ cá nóc trước khi chế biến các sản sẩm từ cá.
3. Đối với người buôn bán cá:
Không buôn, bán các nóc, sản phẩm chế biến từ các nóc
Phải cam kết trước cơ quan quản lý về sản phẩm cá của mình là không có các nóc.
4. Đối với chính quyền các cấp:
Chỉ đạo cơ quan y tế, thủy sản, thương mại và các ngành có liên quan thực hiện đầy đủ Thong tư liên tịch số 15 ngày 18/07/2001 về việc phối hợp trong việc phòng chống ngộ đọc cá nóc giữa y tế và thủy sản.
Xử lý nghiêm minh đối với hành vi cố tình sơ chế, chế biến, kinh doanh cá nóc làm thực phẩm cho người.
5. Đối với ngành y tế:
Phối hợp các cơ quan có liên quan tuyên truyền giáo dục cho nhân dân, đặc biệt là ngư dân về tính độc hại của cá nóc, không sử dụng cá nóc làm thực phẩm.
Củng cố hệ thống ngộ độc thực phẩm do cá nóc.
Nghiên cứu độc tố cá nóc.
Ban hành phác đồ xử lý ngộ độc do cá nóc.
6. Đối với ngành thủy sản:
Tuyên truyền giáo dục cho ngư dân về độc hại cá nóc, không thu hoạch và sử dụng, kinh doanh các nóc làm thực phẩm.
Nghiên cứu về độc tố cá nóc, cách nhận dạng, phân loại các nóc.
Đối với người tiêu dùng.
Không ăn cá nóc với bất kể hình thức nào.
 

Tác giả bài viết: Quang Duy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây