Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm

https://antoanthucpham.quangtri.gov.vn


Trái cây nhập ngoại nhái: Đánh lừa người dùng bằng tem mác

(VietQ.vn) - Trái cây nhập khẩu từ các nước châu Âu, Úc được dán tem, trái cây Trung Quốc cũng có tem “bảo hành”, thậm chí nhiều loại trái cây thối cũng được người bán hàng che giấu bằng cách ngụy trang dán chồng tem lên chính chỗ thối, hỏng đó. Người tiêu dùng như lạc vào ma trận khi mà cái tem từ chức năng bảo hành chất lượng cho sản phẩm giờ lại trở thành độc chiêu để đánh lừa thị giác của khách hàng.
Tem mác là một sự bảo chứng cho chất lượng và nguồn gốc của trái cây nhập ngoại (ảnh minh họa)

Dán mác ngoại, bán giá “cắt cổ”

Việt Nam với khí hậu nhiệt đới gió mùa, trồng được nhiều loại hoa quả tươi ngon, một số loại nhanh chóng tìm được thị trường ở các nước trên thế giới. Thậm chí ở nhiều thị trường được coi là khó tính với rất nhiều quy định gắt gao cho nông sản nhập khẩu như Mỹ, Nhật Bản, trái cây Việt Nam cũng đều góp mặt, tuy không nhiều.

Nghịch lý ở chỗ dù trong nước sản xuất vẫn đủ dùng song Việt Nam lại đang nhập khẩu khá nhiều các loại hoa quả nước ngoài như Anh, Mỹ, Úc, NewZeland và nhiều nhất vẫn là nhập khẩu từ Trung Quốc. Giá bán của chúng tại các quầy hàng của ta khá “chát”, dao động từ 100 – 500.000 đồng/kg. Không thể phủ nhận việc nhập khẩu này khiến thị trường hoa quả của nước ta phong phú đa dạng, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn. Song nó cũng dấy lên tình trạng một số tiểu thương vì lợi nhuận sẵn sàng dán tem ngụy trang cho những loại qua quả trong nước, hoa quả Trung Quốc thành hoa quả nhập ngoại “hạng sang” và bán cho người dùng với giá “cắt cổ”.

Vốn hay mua các loại hoa quả nhập ngoại hạng sang như nho, táo Mỹ để làm quà biếu, chị Hiền Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ rằng những năm trước, các loại này đa số chỉ được bán trong siêu thị, cũng kén khách hàng vì đắt đỏ nhưng mấy năm gần đây thì tràn ngập khắp nơi, từ các cửa hàng rau quả sạch cho tới chợ cóc, chợ vỉa hè với giá giảm hơn. “Có lần đi làm về tối nên vội, lại ham rẻ nên tôi có mua 2 cân táo Mỹ ở vỉa hè với giá 90.000 đồng/kg. Trời đã nhá nhem tối, thấy quả nào cũng dán tem mác đàng hoàng nên tôi có phần tin tưởng. Đến khi về đến nhà dưới ánh đèn sáng trưng mới nhận ra nhiều quả táo vẻ “kém sắc”, một số chỗ dán tem còn bị thối, chả dám đi biếu, đành để ở nhà mọi người ăn dần”, chị kể. Cũng kể từ lần bị “sập bẫy” đó, chị “cạch” không còn dám mua hoa quả nhập ngoại một cách tùy tiện nữa.

Nhập ngoại nhưng là hàng Tàu?

Theo tìm hiểu, quan sát của PV tại các siêu thị, cửa hàng rau quả sạch, quầy hoa quả vỉa hè, đa số hoa quả nhập ngoại đều được dán tem bảo đảm. Thế nhưng giá cả mỗi nơi lại chênh lệch nhau dù chúng có chung nước xuất khẩu, chênh mức ít là 5 – 10.000 đồng/kg, có loại chênh nhau 30 – 70.000 đồng/kg tùy từng loại.

Khi hỏi mua nho Mỹ nhập khẩu được bán ở một quầy hoa quả tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), PV được người bán hàng chào mời rất nhiệt tình kèm theo lời đảm bảo hoa quả của mình là nhập khẩu chính hãng, hoàn toàn sạch, ngon và đảm bảo an toàn. Thế nhưng với câu hỏi đâu là công ty nhập khẩu và phân phối cho chị loại nho này thì chị ậm ừ rồi liền lảng nhanh sang chủ đề khác.

Chị N.T.H (quê Hưng Yên) bán rong hoa quả ở đường Nguyễn Trãi thì cho biết, đa số các hoa quả nhập ngoại bán ở vỉa hè đều là hàng Trung Quốc hoặc cũng có thể là hoa quả từ Mỹ, Anh, Úc, Hàn Quốc nhưng là hàng kém chất lượng nên được tuồn ra ngoài. Người bán hàng cứ vậy dán tem nhập khẩu, thậm chí dùng tem đó dán chồng vào các chỗ hỏng, thối trên bề mặt trái cây để đánh lừa khách hàng. Các loại hoa quả mập mờ này thường là táo, cam, lê, nho.

Người tiêu dùng nên xem xét kỹ tem mác trên hoa quả trước khi mua (ảnh minh họa)

Một điểm cần lưu ý khác là các loại hoa quả được nhập khẩu chính ngạch về Việt Nam, ngoài việc phải thông qua kiểm dịch thì còn phải tuân thủ các quy định về bảo quản sao cho trái cây tươi ngon, kéo dài “tuổi thọ” mà không sử dụng các loại chất bảo quản độc hại. Thế nhưng các tiểu thương chợ cóc, vỉa hè luôn tuyệt đối trung thành với quy trình bảo quản theo lối “đối đầu” trực diện với khói bụi xe cộ nên dẫu hàng họ bán có đúng là được nhập khẩu chính ngạch thì cũng khó mà có được chất lượng tốt nhất.

Có thể thấy, tình trạng hoa quả gắn nhãn mác giả nhập ngoại hiện nay bán nhan nhản trên thị trường. Khách hàng khó có thể trở thành người tiêu dùng thông thái vì việc phân biệt thật giả rất khó khi mà công nghệ phù phép rồi “ngụy trang tem mác” của nhiều tiểu thương đã ở mức “thượng thừa”.

Nguy hại cho sức khỏe

Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng các loại hoa quả không rõ nguồn gốc, dùng chất bảo quản, bị thối, bầm dập rất có hại cho sức khỏe. Đôi khi chỉ cần ăn với số lượng ít cũng đã khiến người tiêu dùng nhập viện vì bị ngộ độc, nhiễm trùng đường ruột, nhiễm nấm. Nhiều người nghĩ các loại hoa quả thối, dập, chỉ cần cắt bỏ chỗ đó thì các phần khác vẫn ăn được, thực tế những phần xung quanh vẫn có thể nhiễm vi trùng nấm mốc, đặc biệt nguy hiểm nếu ăn với số lượng nhiều.

Do đó, trước khi quyết định mua các loại hoa quả nhập ngoại người tiêu dùng không nên tham giá rẻ mà nên tới các địa chỉ uy tín, biết rõ quy trình trái cây được nhập và phân phối ra sao để tránh mắc lừa người bán hàng.

 

Điểm 1, Điều 1 Quyết định số 34/2007/QĐ-BNN, ngày 23 tháng 4 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc công bố danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam nêu rõ “quả tươi” là vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Cuối năm 2012, Cục Bảo vệ Thực vật đã tiến hành kiểm định táo trên thị trường, kết quả cho thấy, khoảng 30% mẫu chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tháng 11/2013, sau khi kiểm tra 74 mẫu, cơ quan này lại tiếp tục phát hiện 2 mẫu hồng và táo có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

 

Tác giả bài viết: Thanh Thu

Nguồn tin: VietQ.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây