Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm

https://antoanthucpham.quangtri.gov.vn


An toàn thực phẩm - trách nhiệm chung của cộng đồng

An toàn thực phẩm - trách nhiệm chung của cộng đồng
An toàn thực phẩm (ATTP) có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống xã hội. An toàn thực phẩm không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển giống nòi; về kinh tế, văn hóa, xã hội và giao lưu thương mại. Chính vì vậy, vấn đề an toàn thực phẩm được cộng đồng quốc tế coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng bảo đảm an sinh xã hội. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) phải là trách nhiệm chung của cộng đồng.
Trong những năm gần đây, ATTP đang là vấn đề thời sự được toàn xã hội quan tâm. Các kết quả thống kê cho thấy, số vụ và số người bị ngộ độc hàng năm đang có xu hướng tăng dần, nhất là tại bếp ăn của các khu công nghiệp. 

Ở tỉnh Quảng Trị, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cùng với sự cố gắng của các ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả của các ban ngành liên quan và sự đồng lòng của toàn dân, những năm qua công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. 

Công tác tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật về VSATTP được triển khai đồng bộ với nhiều hình thức, phương tiện phong phú. Nhận thức của nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm bước đầu đã có chuyển biến. Bộ máy tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ tỉnh đến các địa phương được kiện toàn. 

Năm 2013, trong Tháng cao điểm an toàn thực phẩm với chủ đề: “Phụ nữ với an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, Chi cục ATVSTP tỉnh đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan, trong đó có Hội LHPN, Hội Y tế thôn bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm; hướng dẫn cách chọn mua thực phẩm an toàn, cách chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn. Chỉ tính trong tháng cao điểm an toàn thực phẩm, toàn ngành đã tổ chức 120 đoàn thanh tra, kiểm tra 1.799 cơ sở, trong đó số cơ sở vi phạm là 520; số cơ sở vi phạm bị xử lý là 416, phạt tiền 10 cơ sở. 

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, hiện nay chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề đáng lo ngại. Tình hình ngộ độc thực phẩm ở tỉnh Quảng Trị tuy số lượng không nhiều nhưng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm từ việc cưới hỏi ma chay, hiếu hỉ, bếp ăn tập thể... 

Theo Chi cục ATVSTP, 10 tháng đầu năm 2012 trên địa bàn toàn tỉnh đã có 7 vụ ngộ độc xảy ra với 123 người mắc, trong đó có 2 vụ ngộ độc lớn với hơn 80 ca. Nguyên nhân chủ yếu chính là việc quản lý loại hình phục vụ lưu động không có đăng ký còn bất cập; thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; ô nhiễm vi sinh vật và các chất độc hại trên nông sản, nguyên liệu phụ gia thực phẩm còn chiếm tỷ lệ khá cao. 

Nhiều sản phẩm thực phẩm sản xuất trong tỉnh chủ yếu thủ công và bán thủ công, mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp, không đảm bảo vệ sinh, dây chuyền sản xuất chế biến nhiều nơi chưa đúng quy định. Hệ thống cống rãnh không đảm bảo vệ sinh môi trường. Thêm vào đó, các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm không đảm bảo điều kiện còn khá phổ biến, đặc biệt đối với loại hình dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, quán cóc vỉa hè... Ngoài ra, chúng ta chưa kiểm soát được thực phẩm nhập khẩu và việc sử dụng không an toàn về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc có tăng trọng, kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi. 

Chính vì vậy, an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe con người là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong chính sách an sinh xã hội. Bảo đảm VSATTP phải là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Theo đó, về phía quản lý, trên cơ sở các văn bản pháp quy, các cấp chính quyền cần làm tốt chức năng quản lý nhà nước về VSATTP, trong đó cần quan tâm hơn nữa công tác giáo dục, giám sát, nhắc nhở về VSATTP đối với thức ăn đường phố. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các loại thuốc thú y, phụ gia thực phẩm, hóa chất khác đang được bán trên thị trường; đẩy mạnh công tác xã hội hóa công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ công tác quản lý. 

Về phía nhà sản xuất, phải hết sức tuân thủ các quy định về VSATTP trong sản xuất và lưu hành sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn chất lượng đã công bố hoặc đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy. Quản lý sản xuất theo hệ thống chất lượng thích hợp với ngành nghề. Không sử dụng hóa chất, phụ gia ngoài danh sách cho phép; thường xuyên theo dõi các thông tin về VSATTP trong và ngoài nước. Trước mắt, các bếp ăn công nghiệp, bếp ăn trường học phải cam kết áp dụng mọi biện pháp cần thiết để sản xuất, chế biến an toàn. 

Về phía cơ quan truyền thông, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các hội khoa học kỹ thuật có liên quan, thông qua nhiều hoạt động đa dạng và phong phú, các hội, đoàn góp phần nâng cao kiến thức cho người tiêu dùng, nhà sản xuất, nhất là các kiến thức về chất lượng sản phẩm hàng hóa, về VSATTP. Các hội phát huy mạnh vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải là chỗ dựa tin cậy của người tiêu dùng. 

Đối với người tiêu dùng, thông qua lựa chọn sản phẩm sẽ góp phần quyết định sự tồn tại của các sản phẩm kém chất lượng. Trên thực tế, người tiêu dùng rất khó lựa chọn khi đứng trước quá nhiều nhãn hiệu của cùng một mặt hàng. Cho nên, người tiêu dùng nên mua sắm ở những siêu thị, chợ có uy tín và dựa trên một số tiêu chuẩn như thương hiệu có tiếng, hạn sử dụng, các chỉ tiêu về chất lượng, an toàn ghi trên nhãn. Mọi người tiêu dùng đều có trách nhiệm giám sát, phát hiện những cách làm ăn gian dối, không mua những mặt hàng kém chất lượng. Đồng thời, việc thể chế hóa quyền khởi kiện của công dân trong trường hợp mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng cũng cần được nghiên cứu ban hành. 
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Trí Ánh

Nguồn tin: www.baoquangtri.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây