Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm

https://antoanthucpham.quangtri.gov.vn


Bát nháo thực phẩm chợ đầu mối

Hệ thống chợ đầu mối của Hà Nội cung cấp nguồn thực phẩm cho hàng triệu người dân Thủ đô mỗi ngày, nhưng việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm (ATTP) gần như bị thả lỏng.
Chợ đầu mối thủy sản Yên Sở, chợ đầu mối phía Nam, chợ Long Biên... hoạt động cao điểm vào ban đêm. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, trong nhiều ngày, hoạt động kiểm tra kiểm soát thực phẩm (rau củ quả, cá, thịt...) ở các chợ trên chủ yếu diễn ra vào ban ngày.

Chợ đầu mối thủy sản Yên Sở, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai (Hà Nội) là chợ đầu mối thủy sản lớn nhất của Thủ đô. Trung bình mỗi ngày lượng cá giao dịch ở đây khoảng 60-70 tấn, với nhiều loại cá trắm, trôi, chép, mè, rô phi...

Theo các tiểu thương ở chợ, nguồn cá ở đây không chỉ cấp cho khu vực Hà Nội, còn được phân phối về nhiều tỉnh như Thái Nguyên, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Quảng Trị...

Thời gian hoạt động nhộn nhịp nhất tại các chợ đầu mối là từ 23 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Theo quan sát của chúng tôi, trong các đêm 27, 28/3 và 1/4, dù vào lúc cao điểm, hoạt động kiểm soát của cơ quan chức năng vệ sinh an toàn thực phẩm ở đây gần như bị thả lỏng.

Bát nháo thực phẩm chợ đầu mối - Ảnh 1

 Pha chế cá ở chợ đầu mối phía Nam (ảnh chụp lúc 5h sáng 10/4). Ảnh: Hồng Vĩnh

Chợ cá Yên Sở có một cổng chính để xe buôn cá vào chợ. Tại đây có tấm biển lưu ý: “Ra vào chợ cá Yên Sở phải có hồ sơ truy xuất nguồn gốc về thủy sản”. Cách cổng chợ chừng chục mét là trụ sở của chốt kiểm dịch động vật thủy sản liên ngành số 01 của thành phố.

Theo quy định, các chủ xe hàng khi đến cổng chợ phải dừng lại, xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc cá.

Theo tìm hiểu, những xe chở cá ngoại tỉnh bị thu 40.000 đồng/lượt vào chợ. Số tiền này, theo đơn vị quản lý chợ là để phục vụ điện, nước, vệ sinh chợ... Còn xe cá của người làng Sở được miễn.

Thế nhưng, suốt thời gian cao điểm mà phóng viên quan sát, các xe ô tô chở cá chỉ thò tay qua cửa đưa tiền chợ, rồi lao vút qua bốt kiểm dịch, không dừng xuất trình giấy tờ nguồn gốc cá theo quy định.

Đêm 1/4, chúng tôi ghi nhận nhiều xe mang biển số các tỉnh Hưng Yên, Phú Thọ, Hải Dương như 19C-1457, 89K-5314, 89C-01203... lao thẳng vào chợ mà không thấy sự xuất hiện của các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát giấy tờ.

Suốt thời gian 22 giờ đến 5 giờ sáng, khi chúng tôi có mặt tại chợ, tòa nhà đặt chốt kiểm dịch tối đèn bên trong. Thi thoảng có bóng kiểm dịch viên đứng ngay bốt ở cổng, nhưng xe cá vẫn thản nhiên lao vào.

Theo lời của một số chủ buôn và người dân thì ban quản lý làm việc ban ngày, ban đêm thì chỉ thỉnh thoảng kiểm tra bất chợt. Thậm chí, hoạt động bốc dỡ, cân mua cá hoạt động ngay cạnh khu vực kiểm soát.

Vắng bóng cơ quan chức năng

Tại chợ đầu mối phía Nam, Hoàng Mai (Hà Nội) có ba cổng chợ, hoạt động tấp nập từ một giờ đêm. Hai cổng dành cho xe chở rau củ quả, một cổng dành cho xe chở thịt.

Theo quan sát của phóng viên, những tiểu thương buôn bán ở đây đưa hàng ra vào chợ rất tự do. Tại các cổng chỉ có lực lượng bảo vệ thu tiền xe ra vào, gần như không có thấy lực lượng kiểm dịch, kiểm tra kiểm soát thực phẩm, về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng.

Bát nháo thực phẩm chợ đầu mối - Ảnh 2

 Quang cảnh buôn bán tấp nập ở chợ đầu mối. . Ảnh chụp lúc 4h30 sáng ngày 9/4/2014. Ảnh: Hồng Vĩnh

Khoảng 2 giờ sáng, từng xe máy chở lợn “móc hàm” từ các lò mổ vắt ngang khung xe, ì ạch vào chợ. Cả con lợn sau mổ vứt lăn lóc dưới nền đất bẩn, đầy rác thải cùng những vũng nước đen ngòm.

Từ 3 giờ, hoạt động buôn bán diễn ra khẩn trương, vội vàng. Tuy nhiên, trong suốt khoảng thời gian này, không thấy cán bộ kiểm dịch nào xuất hiện ở cổng, hay kiểm tra ở các ki ốt trong chợ. Đến khoảng 6 giờ sáng, khi phần lớn thịt đã được bán, vẫn chưa thấy bóng dáng cơ quan kiểm dịch xuất hiện.

Tương tự, tại chợ đầu mối Long Biên, Long Biên (Hà Nội) thời gian nhộn nhịp nhất là từ 23 giờ đến 3 giờ sáng. Theo quan sát của phóng viên trong ba ngày 29, 30/3 và 2/4, mỗi đêm hàng trăm xe tải lớn, nhỏ chở rau, củ, quả mà không có sự kiểm tra, kiểm soát của ban quản lý chợ. Một tiểu thương buôn nho ngay sát bốt của ban quản lý chợ kể: “hàng hóa ở đây ra vào tự do, sao phải lo”.

Tại cổng chính của chợ, có chốt kiểm tra của ban quản lý. Suốt thời gian chúng tôi có mặt, cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm soát có mặt tại chốt nhưng không có hành động gì, mặc cho hàng hóa ra vào.

Vào khoảng 0h30 đến 1h30 ngày 3/4, chúng tôi ghi nhận tại chốt của ban quản lý chợ có bốn nhân viên mặc đồng phục bảo vệ, một người mặc quân phục công an, nhưng không thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát xe ra vào cũng như hàng hóa.

Tại chợ đầu mối Long Biên, có ít nhất ba cổng ra vào nhưng chỉ có một chốt của ban quản lý chợ tại cổng chính cạnh đường Yên Phụ. Hai cổng chợ còn lại không có lực lượng chức năng kiểm soát, trong khi hoạt động ra vào, bốc dỡ hàng hóa vẫn diễn ra bình thường...

Linh Chi (theo TP)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây