Sáng ngày 4/10 tại Công ty TNHH Một thành viên Wondo Vina (trụ sở tại xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang) khoảng 1.200 công nhân nhập viện vì ngộ độc thực phẩm.
Nhiều công nhân cho biết, ngay giờ vào ca làm việc buổi sáng, đã có nhiều công nhân xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc như: nôn ói, tiêu chảy, nhức đầu, chóng mặt... Sau đó có nhiều công nhân ngất xỉu tại công ty.
Sau đó, thủ phạm của vụ ngộ độc tập thể được xác định chính là vi khuẩn Salmonella có trong món thịt viên nhồi trứng cút. Sau khi vụ ngộ độc xảy ra, Sở Y tế Tiền Giang đã quyết định đình chỉ bếp ăn của Công ty Wondo Vina năm ngày để tiến hành công tác vệ sinh, khử trùng.
2. Gần 400 người ở Quảng Trị ngộ độc bánh mì
Ngày 16/10/2013, trên địa bàn thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm khoảng 382 người phải nhập viện.
Điều tra của cơ quan chức năng, các bệnh nhân này trước đó đều đã ăn bánh mỳ tại tiệm Quang Trung (139 Lê Duẩn, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) vào chiều 16/10. Sau khi ăn vài giờ, các bệnh nhân đều thấy xuất hiện các triệu chứng ngộ độc thực phẩm.
Theo kết luận của Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, cơ sở sản xuất bánh mỳ Quang Trung ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa không đạt tiêu chuẩn vi sinh; các vi khuẩn monella hiện diện trong thực phẩm bày bán tại cơ sở sản xuất bánh mỳ cũng như trên tay của những người trực tiếp chế biến.
3. 200 công nhân công ty may Foremart ngộ độc
Trong ngày 10/7, hơn 100 công nhân làm việc tại Cty may Foremart nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng và tiêu chảy.
Trước đó, trưa 9/7, khoảng 1.000 công nhân ăn bữa trưa tại bếp ăn đặt trong công ty với các món giò, ngao nấu rau mùng tơi, giá xào mướp, đậu sốt cà chua. Đến sáng 10/7, có hơn 100 người bị đau bụng, buồn nôn. Công ty may Foremart đã đưa số công nhân này đi cấp cứu tại Bệnh viện Ân Thi.
Các công nhân đều bị ngộ độc ở mức độ nhẹ, không có biểu hiện trụy tim mạch hay những trường hợp cấp cứu nặng nào. Trung tâm Y tế huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên) đã tiếp nhận 182 công nhân bị ngộ độc.
4. Hơn 100 công nhân ở Bình Dương ngộ độc do ăn thịt bò nhiễm khuẩn
Sau bữa cơm chiều để tăng ca vào ngày 17.10, các công nhân làm việc ca ba đến 20h30’ tại Công ty Liên Phát bắt đầu có biểu hiện nôn ói, đau bụng, tiêu chảy. Đến sáng ngày 18.10, sau khi đến công ty làm việc, hàng loạt công nhân đều trong tình trạng đau bụng dữ dội, một số đã ngất xỉu tại chỗ làm và đã được chuyển đến cấp cứu tại BV Quận Thủ Đức.
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm được xác định là do thức ăn bị nhiễm vi khuẩn. Cụ thể, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tiến hành xét nghiệm và phát hiện mẫu thịt bò xào thập cẩm dùng trong bữa ăn của trên 700 công nhân Công ty Liên Phát bị nhiễm vi khuẩn lostridium perfringens. Đây có thể là nguyên nhân khiến hàng loạt công nhân gặp triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng và tiêu chảy. Số công nhân của Công ty Liên Phát nhập viện là 113 người, trong đó có 47 công nhân có triệu chứng điển hình ngộ độc thực phẩm.
5. Ăn bánh mì ngon nổi tiếng Bến Tre, hàng trăm người nhập viện
Tính từ 23 đến 28-5, tại Bến Tre đã có 163 người nhập viện do các triệu chứng ngộ độc như ói mửa, tiêu chảy kéo dài, sốt cao, đau bụng. Các bệnh nhân được hỏi đều cho biết đã ăn bánh mì mua tại tiệm Minh Tuyến vào chiều tối 22-5.
Ngày 6- 6, Thanh tra Sở Y tế Bến Tre ra quyết định xử phạt tiệm bánh mì Minh Tuyến (số 308 B, đường Đồng Khởi, phường Phú Khương, TP Bến Tre) số tiền 11 triệu đồng do những vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Quyết định này được đưa ra sau khi Viện Pasteur TP HCM công bố kết quả kiểm nghiệm cho thấy các loại thực phẩm bên trong bánh mì này như thịt, đồ chua, pa-tê, bơ… đều nhiễm các loại khuẩn E. Coli, Coliform và Shigella ở mức cao.
6. Ăn hủ tiếu, gần 150 công nhân cấp cứu
Chiều ngày 5-3, hơn 1.500 công nhân Công ty Terratex Việt Nam (hoạt động trong lĩnh vực dệt may đóng tại khu Công nghiệp Tân Thới Hiệp, quận 12, TPHCM) đã được công ty cho ăn món hủ tiếu giò heo dùng kèm với giá đỗ, lá hẹ và cơm sườn ram rau cải xào trước giờ tăng ca.
Sau khi ăn chừng 1 tiếng, nhiều công nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu chóng mặt… Bệnh viện Quận 12 TPHCM cho biết đã tiếp nhận cấp cứu 146 công bị ngộ độc thực phẩm.
7. Gần trăm người dân ngộ độc do ăn cỗ giỗ
Sau khi ăn đám giỗ vào trưa 16/11 tại gia đình bà Lê Thị Thêm (ngụ ở xóm Đông Châu, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), có hơn 58 người dân đa phần ở xã Thạch Văn bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 43 người phải chuyển vào Trạm Y tế xã nằm lại để thăm khám, trong đó có đến 15 người ở thể nặng phải chuyển tiếp lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cấp cứu, chăm sóc.
Ngay sau khi vụ ngộ độc xảy ra, Chi Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng huyện Thạch Hà và Trạm Y tế xã Thạch Văn tổ chức thực hiện điều tra để xác định nguyên nhân. Kết quả điều tra cho thấy nguyên nhân ngộ độc là do nhiễm khuẩn.
8. Ăn trưa ở trường, gần 50 học sinh ngộ độc
Ngày 20/9, 47 học sinh bán trú thuộc hai trường Tiểu học Cốc Pài và THCS xã Tả Nhìu, huyện Xín Mần, Hà Giang đã nhập viện sau bữa ăn trưa ở trường. Ngay sau khi sự việc xảy ra, các học sinh trên đã được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Xín Mần cấp cứu.
Theo kết luận của Sở Y tế tỉnh Hà Giang thì nguyên nhân là do bếp ăn tập thể của các trường học trên, về cơ sở hạ tầng, dụng cụ nấu nướng, chế biến, sử dụng, bảo quản thực phẩm đều chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định. Bên cạnh đó, khâu chế biến thực phẩm cũng chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên khi học sinh ăn phải thực phẩm có nhiễm vi khuẩn tụ cầu S.Aureus đã bị ngộ độc.
9. Hơn 40 du khách nhập viện sau bữa ăn tối
Sáng 15-7, tại khu nghỉ mát biển Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, khoảng 40 du khách phải nhập viện điều trị do ngộ độc thực phẩm.
Đoàn du khách này gồm 100 người, đều làm việc cho Công ty TNHH FCC Việt Nam (trụ sở tại KCN Thăng Long - Hà Nội) và đang nghỉ tại khách sạn Cao Nguyễn, cạnh bờ biển Hải Hòa, từ trưa 14-7.
Sau khi tắm biển, tham quan du lịch, tối 14-7, các du khách đã ăn bữa tối gồm: Mực tươi xào, cá thu sốt, măng, thịt bò xào, rau cải, canh ngao nấu chua… Sau đó, nhiều người có biểu hiện lâm sàng như đau bụng, đi ngoài.
Đến 2 giờ ngày 15-7, thêm nhiều người đau bụng dữ dội nên phải vào trạm y tế và Bệnh viện Đa khoa huyện Tĩnh Gia điều trị. Tổng cộng đã có hơn 40 người của Công ty TNHH FCC Việt Nam nhập viện.
10. Rượu nếp 29 Hà Nội gây chết người
Từ ngày 2-7/12 trên địa bàn thành phố Cẩm Phả và Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh xảy ra 5 vụ, làm 15 người bị ngộ độc, trong đó 6 người tử vong do sử dụng sản phẩm “Rượu nếp 29 Hà Nội”, loại chai nhựa 2 lít, ngày sản xuất 12/10/2013 của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội, có hàm lượng Methanol và Ethanol trong rượu chiếm 80% đến trên 98% (vượt 1.600 đến trên 1.900 lần giới hạn cho phép).
Ngay sau đó, Cục ATTP đề nghị địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thông báo khẩn cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng sản phẩm “Rượu Nếp 29 Hà Nội” của Công ty CP XNK 29 Hà Nội sản xuất ngày 12/10/2013 gây ngộ độc thực phẩm để cảnh báo nhận dạng sản phẩm và tuyệt đối không được sử dụng cho cộng đồng.
Cơ quan chức năng cũng yêu cầu nhà sản xuất dừng ngay lập tức việc sản xuất, lưu thông sản phẩm “Rượu Nếp 29 Hà Nội” sản xuất ngày 12/10/2013 tại cơ sở sản xuất; kiểm kê, niêm phong sản phẩm đang bảo quản trong kho; báo cáo ngay mạng lưới, địa điểm phân phối của công ty; thông báo khẩn cấp kiểm kê sản phẩm (số lượng nhập, bán, tồn) và thu hồi về kho của đại lý, nhà phân phối và chuyển về kho của công ty trước ngày 12/12/2013; phối hợp với cơ quan chức năng tiêu hủy sản phẩm theo đúng quy định pháp luật.
Chất lượng Việt Nam
Nguồn tin: VietQ.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn