Bột trà xanh là cách gọi của người Việt đối với loại trà matcha có nguồn gốc từ Nhật Bản. Matcha xuất xứ từ Nhật mỗi gói có trọng lượng 20g, 40g, 100g với đầy đủ thông tin tiếng Nhật, có nhãn phụ tiếng Việt giá từ 248.000 - 315.000đ/100g.
Bột trà xanh được bán ở hầu khắp các chợ, cửa hàng. Song giá cả mỗi nơi mỗi khác, với những lời giới thiệu mơ hồ về nguồn gốc. Tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), một tiểu thương đưa ra hai loại bột trà xanh được đóng gói trong bao ni lông dạng xá, một bịch 50g, bịch khác thì 10g, không nhãn mác hay bất kỳ thông tin nào. “Nếu mua về nhà dùng thì lấy loại này, 105.000đ/100g, bảo đảm là hàng Nhật. Còn loại này thì 60.000đ/100g, mỗi lần dùng chỉ cần cho chút xíu là đủ, nhưng là của Trung Quốc, mấy quán bán chè khúc bạch, trà sữa thường mua để pha chế”, người bán nói.
TS Phan Thế Đồng, Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết: để kích thích tăng trưởng và tránh sâu bệnh cho cây trà, người ta sử dụng phân hóa học dưới dạng phun trực tiếp lên lá và sử dụng công nghệ xử lý dư lượng hóa chất để sản phẩm đến tay người tiêu dùng an toàn, nếu không dư lượng hóa chất trên lá trà sẽ rất cao. Lá trà sẽ rất dễ bị đổi màu, biến mùi khi chế biến. Do đó, hoặc nhà sản xuất phải sử dụng hương liệu, phẩm màu; hoặc để giữ màu trà xanh tươi, người ta sử dụng một số kim loại như đồng, chì trong quá trình chế biến.
Cả hai cách trên đều mang đến những nguy cơ nhất định cho sức khỏe. Đối với loại bột trà xanh không rõ nguồn gốc, không loại trừ khả năng đó là hóa chất công nghiệp. “Mức độ độc hại của hóa chất tạo màu, tạo mùi công nghiệp là rất lớn. Nó tổn hại đến tất cả các cơ quan thần kinh, nội tạng và bề mặt da khi tiếp xúc trực tiếp” - TS Huỳnh Khánh Duy, Khoa Kỹ thuật hóa học, ĐH Bách khoa TP.HCM cảnh báo.
Trong những năm qua, các thực khách đã phải lao đao vì những thông tin hàng loạt cơ sở sản xuất bánh trái phép, không rõ nguồn gốc, mất vệ sinh, bánh nhập từ Trung Quốc mốc meo được “mông má” lại, bánh Trung thu nhiễm Ecoli vượt 800 lần so với quy định hay cơ sở uy tín như Thu Hương Bakery cũng trao bánh mốc vào tay khách hàng.
Một chiếc bánh trung thu hiệu Thu Hương Bakery bị mốc. Ảnh minh hoạ
Dịp tết Trung thu năm ngoái, cơ quan thanh tra đã “khui" ra một cơ sở làm bánh bẩn tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, trong xưởng có 1.800 chiếc bánh nướng đã được đóng gói thành phẩm, dán nhãn mác một thương hiệu bánh Trung thu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và không có ngày sản xuất lẫn hạn sử dụng. Khi bị điều tra, chủ cơ sở thừa nhận làm ăn không giấy phép, thực phẩm không rõ nguồn gốc và vệ sinh cũng không đảm bảo, bốc mùi hôi thối khắp nơi. Và những cơ sở như thế này không còn quá lạ lẫm với người tiêu dùng.
Nhằm tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2014, Cục an toàn thực phẩm đã đề nghị Giám đốc Sở Y tế - Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP các tỉnh/ thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các loại sản phẩm bánh kẹo phục vụ Tết Trung thu.
Theo đó, đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, tập trung thanh tra, kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu, kiểm nghiệm sản phẩm, ghi nhãn, bao bì sử dụng, sử dụng phụ gia, công bố tiêu chuẩn sản phẩm, nhập khẩu sản phẩm hoặc bán thành phẩm, điều kiện vệ sinh nơi bày bán.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, thanh tra, kiểm tra điều kiện vệ sinh cơ sở, nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia, vệ sinh cá nhân người trực tiếp sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm theo quy định, xử lý nghiêm các vi phạm, công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nguyễn Huyền (T/h)
Nguồn tin: VietQ.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn