Nhận biết và phòng ngừa ngộ độc do một số loại nấm thường gặp ở Việt Nam
Thứ hai - 04/07/2016 04:28
Có rất nhiều chủng loại nấm, trên thế giới có khoảng hơn 5000 loại nấm. Trong đó, hơn 100 loại nấm độc và hơn 300 loại nấm có thể ăn được. Nấm là loại thân mềm, mọc tự nhiên ở khắp nơi, song tập trung nhiều ở rừng và những vùng ẩm thấp có cây cối rậm rạp, ít ánh sáng.
Ngộ độc nấm thường xảy ra vào mùa Xuân, Hè, nhất là từ tháng 2 đến tháng 4, đây là loại ngộ độc có tỷ lệ tử vong rất cao. Nhiều vụ ngộ độc nấm đã xảy ra ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên, nơi đồng bào dân tộc có tập quán thu hái và sử dụng nấm mọc tự nhiên để làm thực phẩm. Tuy nhiên ở các vùng đồng bằng một số người dân cũng đã hái nấm hoặc mua nấm về ăn và cũng bị ngộ độc. Ở Việt Nam có 4 loại nấm cực độc thường gặp gồm các loại sau:
Nấm độc tán trắng (Amanita verna)
Nấm độc tán trắng (Amanita verna) thường mọc thành từng từng cụm hoặc đơn chiếc trên mặt đất trong rừng và một số nơi khác. Mũ nấm màu trắng và bề mặt mũ nhẵn bóng. Lúc non đầu tròn hình trứng, mũ nấm đính chặt vào cuống. Khi trưởng thành, mũ nấm phẳng và có đường kính khoảng 5-10 cm. Khi, già mép mũ có thể cụp xuống. Phiến nấm và cuống nấm có màu trắng, phần cuống có dạng màng ở trên gần sát với mũ, chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa. Thịt nấm mềm, màu trắng và mùi thơm dịu. Loại nấm này chứa amanitin (amatoxin) có độc tính cao.
Nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa)
Cây nấm có hình dạng gần giống nấm độc tán trắng, mang đặc điểm phân bố và độc tố tương tự. Mũ nấm trắng, bề mặt nhẵn bóng, lúc non đầu tròn hình trứng, mép khum đính chặt vào cuống. Khi trưởng thành, mũ nấm thường khum hình nón với đường kính khoảng 4-10 cm. Thịt nấm mềm, màu trắng và có mùi khó chịu.
Hai loại nấm này đều có chứa amanitin (amatoxin) có độc tính cao. Triệu chứng đầu tiên sau khi ăn nấm xuất hiện muộn (6-24 giờ), trung bình khoảng 10 - 12 giờ với biểu hiện buồn nôn, đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy toàn nước rất nhiều lần. Tiếp theo xuất hiện suy gan, suy thận (vàng da, tiểu ít, không đi tiểu được, hôn mê) và tử vong.
Nấm mũ khía nâu xám (Inocybe fastigiata hoặc Inocybe rimosa)