Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ các loại nấm hoang dại.
Thứ năm - 30/09/2021 23:19
Hiện nay thời tiết bắt đầu chuyển mùa, xuất hiện nhiều đợt mưa làm cho đất có độ ẩm cao, đây là điều kiện rất thuận lợi cho các loại nấm phát triển đặc biệt là trên các nương rẫy, các khu rừng tràm, rừng cao su v.v..
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trên thế giới hiện có hơn 10.000 loại nấm đã được xác định danh tính, trong đó có hàng trăm loại nấm độc. Dù trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa ra những cảnh báo về nguy cơ tử vong do ngộ độc nấm gây ra. Nhưng một số người dân vẫn giữ thói quen hái nấm tự nhiên trong rừng về ăn.
Nhiều người lầm tưởng nấm độc phải là nấm có màu sắc sặc sỡ nên thấy nấm trắng đã hái về ăn, mà không biết rằng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Thậm chí, có những loại nấm, sâu bọ ăn không chết nhưng vẫn có thể gây độc với người. Hay một số người cho gà, chó ăn thử nấm trước, sau 1-2 giờ mà động vật đó không chết hoặc không bị ngộ độc thì đó là nấm không độc. Cách thử này chỉ đúng với một số loại nấm độc tác dụng nhanh và không gây chết người. Còn hầu hết nấm độc gây chết người có tác dụng chậm, từ 12 đến 24 giờ sau khi ăn mới xuất hiện triệu chứng đầu tiên.
Các loại nấm độc kể cả sau khi đun nấu ở nhiệt độ 200 độ C, độc tố vẫn bền vững không bị phá hủy. Vì vậy, để an toàn, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo: Người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, đã biết chắc chắn chủng loại nấm, nguồn gốc nấm, bảo đảm ăn được mà không bị ngộ độc. Tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả (như mũ, phiến, cuống, vòng cuống và bao gốc), đặc biệt, những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc.
Người dân không nên ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng nấm độc. Ngoài ra, với cả loại nấm ăn được thì cũng nên sử dụng khi còn tươi, nếu để ôi thiu, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Khi có nghi ngờ bị ngộ độc khi ăn nấm cần gây nôn và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.
Một số loại nấm độc thường gặp trên địa bàn tỉnh ta:
1. Nấm độc tán trắng, nấm độc trắng hình nón: Có độc tính cao, tác động lên nguyên sinh chất tế bào, gây phá hủy tế bào, đặc biệt là tế bào gan gây suy gan cấp, có nguy cơ gây tử vong.
2. Nấm độc ô tán trắng phiến xanh: Đây là loại nấm thuộc nhóm chất độc kích thích đường tiêu hóa dạ dày – ruột. Chất độc tác động nhanh chóng gây buồn nôn, ói mửa, đau bụng, chuột rút và tiêu chảy.
3. Nấm độc mũ khía nâu xám: Có độc tố tác động lên hệ thần kinh phó giao cảm, gây các triệu chứng như vã mồ hôi, khó thở, thở rít, mạch chậm, hôn mê, co giật.
Phòng NV-Tổng hợp