Hơn 3 giờ sáng, chúng tôi cùng với đoàn khảo sát của Chi cục VSATTP đã có mặt tại cơ sở sản xuất giò chả của chị Nguyễn Thị H., phường 1, thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Bình quân mỗi ngày chị H. sản xuất từ 5- 6 kg chả để cung cấp cho thị trường. Khi chúng tôi hỏi về vấn đề sử dụng phụ gia thực phẩm, nhất là hàn the trong quá trình chế biến, chị H. cho biết: “Trong quá trình sản xuất, để đảm bảo chả giòn và bảo quản được lâu hơn, tôi có sử dụng một thìa cà phê bột phụ gia thực phẩm của Thái Lan cho 5-6 kg chả”.
Điểm đến tiếp theo của đoàn chúng tôi là cơ sở sản xuất chả của gia đình chị Trần Thị H. cũng ở phường 1. Hơn 30 năm gắn bó với nghề sản xuất chả, chị H. cho biết, trước đây có sử dụng chất hàn the trong quá trình chế biến giò, chả. Với việc sử dụng hàn the đã giúp cho chả bảo quản được lâu hơn và có độ giòn trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, sau khi được sự hướng dẫn của Chi cục ATTP, chị đã thay thế việc sử dụng hàn the bằng các phụ gia thực phẩm được Bộ Y tế cho phép, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như phụ gia chitovina.
Qua khảo sát cho thấy, nhìn chung đa số các cơ sở sản xuất giò, chả đều sử dụng hàn the hoặc một số chất phụ gia thực phẩm để bảo quản sản phẩm. Trước mắt, các chất này chưa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Hàn the khi sử dụng được đào thải phần lớn qua nước tiểu (80%), qua tuyến mồ hôi (3%), qua phân (1%), còn lại tích lũy trong cơ thể (16%) ở các mô, không được đào thải. Hàn the tích lũy ở cơ thể người tập trung ở gan và não nhiều nhất rồi đến tim, phổi, dạ dày, thận, ruột..., khi ăn nhiều hàn the sẽ có hiện tượng khó tiêu, chán ăn, mệt mỏi, có thể gây nôn mửa, ỉa chảy, co cứng cơ, ban đỏ da, màng niêm dịch, sốc trụy tim... gây ngộ độc mãn tính, nặng hơn còn có nguy cơ làm thoái hóa cơ quan sinh dục. Trẻ em và trẻ sơ sinh nếu uống nhầm acid boric 1-2 g/kg thể trọng thì sẽ chết sau 19 giờ đến 7 ngày.
Mặc dù đã có nhiều thông tin cảnh báo tác hại của hàn the, ý thức người kinh doanh, sản xuất cũng như người tiêu dùng đã có sự chuyển biến, nhưng nhìn chung đến nay vẫn chưa chấm dứt được việc sử dụng hàn the trong các sản phẩm giò chả, mì sợi, bánh đúc... Theo báo cáo kết quả giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm năm 2011 của Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Trị, có 100% mẫu chả kiểm nghiệm có kết quả dương tính với hàn the. Trong đợt thanh kiểm tra Tết Nguyên đán 2012, có 115/154 mẫu chả dương tính với test nhanh hàn the, các sản phẩm này tập trung chủ yếu tại các chợ đầu mối lớn của tỉnh.
Hiện nay, thông tin về tác hại của hàn the đã được phổ biến khá rộng rãi trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, việc quản lý và cấm sử dụng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, hàn the vẫn được bày bán công khai tại các chợ, việc mua bán quá dễ dàng, giá thành quá rẻ. Mặt khác, tâm lý người tiêu dùng thường yêu cầu các sản phẩm giò chả, bánh đúc, mì sợi phải dai, giòn, bảo quản lâu… từ đó buộc người sản xuất sử dụng các chất phụ gia như hàn the trong quá trình chế biến thực phẩm. Các hộ gia đình sản xuất với quy mô nhỏ lẻ nên việc xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc quản lý, giám sát không sử dụng hàn the trong thực phẩm đang là vấn đề khó khăn, cần thời gian dài để thực hiện.
Để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng hàn the trong quá trình chế biến thực phẩm, phía Chi cục ATVSTP đã và đang triển khai nhiều biện pháp cụ thể: Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm tại các chợ qua những tháng hành động, các dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, nhất là đối với thực phẩm có tỷ lệ hàn the cao. Tiếp tục thực hiện tuyên truyền, giáo dục về tác hại của hàn the bằng cách lồng ghép vào các lớp tập huấn kiến thức về VSATTP, đối tượng chủ yếu là những người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Tuyên truyền, giáo dục qua các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của hàn the và nên sử dụng những loại thực phẩm có tính dai, giòn tự nhiên, đồng thời tẩy chay những sản phẩm quá dai, giòn không bình thường. Hướng dẫn người sản xuất sử dụng những phụ gia thực phẩm thay thế hàn the được Bộ Y tế cho phép.
Tăng cường các lớp tập huấn cho BQL các chợ những kiến thức cơ bản về VSATTP. Những người kinh doanh thực phẩm phải lấy hàng ở nơi có địa chỉ rõ ràng, các bếp ăn tập thể, những người chuyên nấu ăn cho các đám tiệc cần phải trang bị bộ thử test nhanh hàn the. Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xử lý nghiêm những nơi cung cấp hàn the…
Với sự nỗ lực từ phía Chi cục VSATTP cùng các ngành, chức năng liên quan, hy vọng rằng trong tương lai không xa người tiêu dùng sẽ không còn lo lắng bởi tình trạng sử dụng hàn the và các chất phụ gia độc hại trong thực phẩm.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn