HỘI THẢO “XÂY DỰNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM THỰC PHẨM BẢO VỆ SỨC KHỎE DƯỚI DẠNG CAO, CHÈ TRUYỀN THỐNG TỈNH QUẢNG TRỊ NĂM 2019”
Thứ tư - 28/08/2019 05:37
Với đặc điểm khí hậu khắc nghiệt và đất đai khô cằn, gió Lào cát trắng. Các sản phẩm cao, chè truyền thống tại Quảng Trị được nhận định và minh chứng là vùng dược liệu tốt nhất qua các kiểm nghiệm lâm sàng mà thiên nhiên đã ban tặng.
Trong những năm gần đây việc phát triển vùng nguyên liệu cho các loại cây dược liệu như: Cà gai leo, chè vằng,... để sản xuất dưới dạng cao thực vật đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh. Mang lại thu nhập cho các hộ gia đình sản xuất các loại cao chè truyền thống, làm thay đổi bộ mặt phát triển kinh tế ở địa phương và quan trọng là tạo được một sản phẩm thực phẩm mang tính truyền thống cấp Quốc gia. Đặc biệt trong năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định số: 376/QĐ-UBND ngày 25/2/2016 công nhận làng nghề “Nấu cao dược liệu Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ”.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có khoảng 40 cơ sở, sản xuất cao, chè truyền thống nhưng trong đó đa số là cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất manh mún, làm thời vụ hoặc gia công cho các cơ sở lớn hơn. Chỉ khoảng 10 cơ sở sản xuất cao, chè được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngày 02 tháng 2 năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị Định số 15/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm có quy định “Chất có nguồn gốc tự nhiên bao gồm động vật, khoáng vật và thực vật dưới dạng chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa” thì được xếp vào thực phẩm “bảo vệ sức khỏe”. Do đó theo Nghị Định số 15/2018/NĐ-CP thì các cơ sở sản xuất cao chè truyền thống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sẽ được đưa vào nhóm thực phẩm “bảo vệ sức khỏe”. Để một cơ sở sản xuất được thực phẩm “bảo vệ sức khỏe”, thì cơ sở phải đạt yêu cầu về điều kiện thực hành sản xuất tốt (GMP).
Vì lẽ đó ngày 27/09/2019, Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến vào Đề án “XÂY DỰNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM THỰC PHẨM BẢO VỆ SỨC KHỎE DƯỚI DẠNG CAO, CHÈ TRUYỀN THỐNG TỈNH QUẢNG TRỊ NĂM 2019”
Tham dự hội thảo có đồng chí Hồ Sỹ Biên - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, lãnh đạo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cao, chè trên địa bàn toàn tỉnh.
Đề án “XÂY DỰNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM THỰC PHẨM BẢO VỆ SỨC KHỎE DƯỚI DẠNG CAO, CHÈ TRUYỀN THỐNG TỈNH QUẢNG TRỊ NĂM 2019” hi vọng sẽ hình thành được một hệ thống sản xuất khép kín được kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng đạt tiêu chuẩn GMP. Trong chuỗi liên kết này, các doanh nghiệp có chức năng khảo sát, tìm kiếm, mở rộng thị trường để điều tiết sản xuất, xây dựng chất lượng và thương hiệu cho sản phẩm. Người nông dân được đảm bảo quyền lợi, nâng cao thu nhập từ việc tham gia sản xuất sản phẩm an toàn. Sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng là sản phẩm sạch, an toàn. Đặc biệt, nếu không may xảy ra bất cứ sự cố nào đối với người tiêu dùng hay sản phẩm thì thông qua việc kiểm tra lại quy trình lưu thông trong chuỗi sẽ truy xuất được nguyên nhân, như vậy lợi ích của người tiêu dùng luôn được đảm bảo.
Tham gia đóng góp ý kiến Đề án, các đại biểu cho rằng Đề án cần cụ thể hóa hơn nữa trong sản xuất và tiêu thụ, mở rộng liên kết để đưa các sản phẩm ra các thị trường lớn hơn, vào được các siêu thị, trung tâm thương mại, tăng cường giám sát, quản lý VSATTP tại các cơ sở chế biến, sản xuất từ khâu đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Các ý kiến tham gia tại Hội thảo sẽ là căn cứ để Ban soạn thảo bổ sung vào Đề án trước khi trình lên UBND tỉnh xem xét phê duyệt.