Hiện nay ở nhiều quán ăn, nhà hàng trên địa bàn cả nước xuất hiện các món gỏi, thịt sống theo cách ăn của người Nhật, Hàn Quốc. Như món cá, thịt sống nhúng qua nước chanh, cuộn trong bánh đa nem cùng một số loại rau, củ, quả rồi chấm mù tạt pha loãng với xì dầu, ăn sống … Anh Nguyễn Văn Thành, ở phường Anh Dũng (quận Dương Kinh), cho biết: Anh cùng bạn bè thường xuyên đi ăn gỏi, mù tạt một số loại tôm, cá bởi thực phẩm tươi ngon, lại kết hợp hài hòa với các loại rau, gia vị không có cảm giác ngán, ngấy như các món ăn được nấu chín. Có lẽ, cũng vì thế, các món gỏi, thịt sống có chiều hướng gia tăng. Các quán ăn, nhà hàng chuyên về gỏi mọc lên ở nhiều nơi. Và đây cũng là những món được chủ nhà “ưu tiên” lựa chọn khi làm cơm mời bạn bè.
gỏi cá chứa vi sinh vật gây bệnh
“Khổ cái thân”
Anh Hoàng Văn Hùng, ở xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy- Hải Phòng) cũng vì thích ăn gỏi cá mà mang bệnh vào thân khi nhóm bạn tổ chức làm gỏi cá “ăn cho mát”. Sau trận rượu “tới bến” cùng món gỏi cá thái mỏng trộn riềng giã nhỏ chấm với nước nấu từ da và ruột cá, anh Hùng bị “Tào Tháo đuổi” suốt mấy ngày, sụt mất 5kg.
Ở những vùng như Nam Ðịnh, Ninh Bình, người ta thường xuyên ăn gỏi cá. Kết quả là có đến 40% dân chúng trong vùng đã bị sán gan (Theo số liệu điều tra của các cơ quan hữu trách).
Theo một đầu bếp chuyên nghiệp cho biết, dù cẩn trọng đến mấy, cũng khó tránh được nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng giun, sán… từ dao, thớt, rau sống. Khi ăn các món không bảo đảm vệ sinh, nhẹ thì đau bụng, tiêu chảy, nếu nặng phải nhập viện điều trị, có trường hợp bị tử vong. Vì thế, mọi người không nên coi nhẹ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, cứ ăn cho “sướng cái miệng”, để rồi lại “khổ cái thân”. Đặc biệt, trong thời điểm này khi dịch cúm gia cầm đang lan rộng và diễn biến ngày càng phức tạp, dứt khoát không ăn các món tiết canh chế biến từ tiết gia cầm, món sống, tái từ thịt gia cầm, bởi nguy cơ nhiễm vi-rút cúm ảnh hưởng tới sức khỏe bản thân và dễ bùng phát thành dịch tại cộng đồng.
Nguy hiểm rình rập
Thuỷ sản cá, tôm, sò, ốc, hến, mực, bạch tuộc… ăn sống rất dễ nhiễm ký sinh trùng. Trứng giun sán lơn tơn trên sông biển ao hồ, trung chuyển qua ốc, tôm, cua… rồi chui vào sâu vào thịt cá. Con người ăn cá, vào tới hệ tiêu hoá, ấu trùng “nở” thành giun sán và bắt đầu gây chuyện. Khoảng 50 loại giun sán ký sinh được tìm thấy ở thuỷ sản, một số loài có thể gây chết người.
Sán lá gan nhỏ (clonorchiasis) khá phổ biển ở các loại cá nước ngọt như cá chép, cá diếc, rô phi… Nó “định cư” và “làm việc” ở gan người, kiên nhẫn phục kích có khi tới vài tháng mới chịu tấn công nhẹ (rối loạn tiêu hoá). Loài sán này sống dai tới cả vài chục năm và đỉnh cao của nó là gây xơ gan, cổ trướng.
Một loại khác là giun đầu gai (gnathostoma), cũng thường thấy ở cá nước ngọt: tôm, cua, lươn, ếch… Giun này vào hệ tiêu hoá, xuyên ruột tung tăng tuỳ hứng: đi dưới da, vào gan, vào mắt, tuỷ sống, chui tới não là coi như hết thuốc. Giun gnathostoma ở đâu phá đó, triệu chứng thiên biến vạn hoá tuỳ nơi cư trú. Giới y học rất khốn khổ với tên ăn bám này, vì triệt thì dễ nhưng điểm mặt nó không dễ chút nào.
Cá sông khó chơi thì ăn gỏi cá biển cho sang? Cá biển cũng dính. Một loại ấu trùng của giun anisakis simplex được tìm thấy nhiều ở cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ, mực, bạch tuộc… Giun anisakis một khi vào được bụng người cũng chạy lung tung, có khi tới não và gây tử vong.
Người Nhật khoái ăn cá sống (sashimi), nhưng họ tuyển rất kỹ: cá phải tươi, ướp lạnh, lạng philê, soi đèn dò ấu trùng. Kỹ lưỡng như thế nhưng hàng năm vẫn ghi nhận cả trăm ca nhập viện vì nhiễm anisakis ở Nhật.
Đành phải ăn “gỏi cá chín” thôi. Nhạt cả rượu! Ở mức độ rủi ro thấp hơn, có thể ăn gỏi cá biển đông lạnh. Nhưng có chơi có chịu, đó là chưa nói tới nhiễm vi sinh. Có điều chắc chắn là rượu chẳng ép phê tí nào tới sự sống còn của ký sinh trùng cả.
Linh Nguyễn (th)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn