“SIÊU SẠCH” HAY SIÊU BẨN?
Khoảng vài năm trở lại đây, người dân thành phố đã quen với loại nước mía “siêu sạch” trên khắp các ngả đường, góc phố. Trước đây, để cho ra được một ly nước mía, người bán phải trải qua nhiều công đoạn, từ việc cạo vỏ đến dùng sức quay vô-lăng ép, tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Vì vậy hiện nay, hầu hết các quán nước mía trên địa bàn thành phố đã chuyển sang sử dụng loại máy ép tiên tiến hơn, được gọi là máy ép nước mía siêu sạch. “Công nghệ ép chặt, nhanh và rất gọn. Vừa tiết kiệm điện, ép một lần là vắt được hết nước trong cây mía, vừa đỡ nguy hiểm và đặc biệt là thiết kế che kín để khách hàng không nhìn thấy được bên trong”- Kim Ngân, nhân viên một tiệm chuyên đóng xe nước mía siêu sạch trên đường Hùng Vương (quận 10), quảng cáo. “Do các loại máy cũ trước đây không hề có phần này nên người bán quên vệ sinh một tí là khách hàng sẽ nhìn thấy ngay. Còn với loại siêu sạch được thiết kế kín đáo, che hết toàn bộ lốc máy, rủi bên trong có dơ chút cũng chẳng ai thấy. Mỗi khi muốn vệ sinh máy chỉ cần xịt nước vào là xong, chẳng phải chà rửa gì cho mệt, vì có muốn cũng chẳng cách nào làm được”, cô tiếp lời.
Tiện lợi là thế nhưng nhắc đến nước mía “siêu sạch”, chị Phương - nhân viên văn phòng làm việc tại quận 3 - bức xúc: “Mấy hôm trước nắng nóng, mình hay đến góc Nguyễn Gia Thiều - Ngô Thời Nhiệm mua nước mía uống cho mát. Một lần mình phát hiện trong ly có hai con ruồi và vài con nhỏ màu trắng đục nhìn lúc nhúc như giòi, rất kinh khủng! Cầm ly nước mía mình đem ra, người bán nhìn rồi bảo không có gì đâu và lập tức đổ luôn vào sọt rác! Sau đó, mình vô tình nhìn vào tấm lưới lọc bên trong của chiếc máy ép thì phát hoảng khi thấy xác ruồi và cả giòi đang bò trong đó!”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay các xe nước mía “siêu sạch” mọc lên như nấm tại hầu hết các tuyến đường thành phố. 14 giờ một ngày trung tuần tháng 2-2014, có mặt trước cổng trường Đại học Bách khoa TPHCM (P14Q10), chúng tôi không khỏi sốc bởi chất lượng VSATTP của những ly nước mía tại đây. Phía trước xe nước mía “siêu sạch” này là một đống bã mía nằm ngay miệng cống khiến ruồi nhặng bu đầy. Cạnh đó là những khúc mía đã được cạo vỏ, chặt thành từng khúc nhỏ ngâm vào những xô nước đục ngầu. Dù vẫn biết không đảm bảo vệ sinh nhưng nhiều sinh viên vẫn vô tư uống. Được biết, tuyến đường Phạm Thế Hiển (P6Q8) cũng là nơi tập trung khá nhiều xe nước mía “siêu sạch” tương tự.
THẢ NỔI VIỆC KIỂM TRA
Trên thị trường hiện nay, giá một xe nước mía đời cũ khoảng 5 triệu đồng, còn đối với máy ép “siêu sạch” thì cao hơn gần gấp hai, dao động khoảng từ 8 - 10 triệu đồng/bộ. Tuy nhiên, vì những chiếc máy ép mía đời cũ cồng kềnh và hao điện nên hầu hết đều chuyển sang sử dụng loại máy ép mới. Do máy có thiết kế khép kín, toàn bộ phần lốc máy bên trong được che chắn hoàn toàn nên người bán không thể vệ sinh, chà rửa được, tạo môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Một người thợ chuyên sửa máy ép mía ở quận Gò Vấp cho biết: “Quảng cáo là siêu sạch nhưng thật ra lại là siêu bẩn! Nhiều nơi bán đông khách mà chỉ có một cái máy sử dụng liên tục nên nhiều tháng, thậm chí vài năm không chà rửa, chỉ xịt vòi nước sơ sơ là chuyện bình thường. Nhiều lúc có người mang máy đến sửa, mở ra bên trong toàn giòi sinh ra từ các bã và cặn mía tồn đọng lâu ngày. Vì vậy, tôi chẳng bao giờ dám để người nhà uống nước mía siêu sạch trên các vỉa hè, thèm lắm thì tìm chỗ bán mía ép kiểu cũ mà mua”.
Trên thực tế, giờ đây người bán chỉ cần vài bộ bàn ghế, tấm biển quảng cáo và một máy ép công nghệ mới thì đã trở thành quán nước mía “siêu sạch” mà không hề vướng bất kỳ trở ngại nào. Chính vì vậy, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp rà soát, tổ chức kiểm tra chất lượng VSATTP một cách nghiêm ngặt và xử lý những trường hợp bán nước mía siêu sạch không đảm bảo vệ sinh để góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn