Methanol còn gọi là alcol methylic, carbinol là một chất độc, thường gặp trong dung môi để lau kính xe, làm dung dịch mực in cho máy photocopy, nhiên liệu cho các bếp lò nhỏ, được coi như là một chất dung môi công nghiệp. Methanol có thể xuất hiện trong nhiều chế phẩm như sử dụng làm dung dịch tẩy rửa, làm lạnh hay sản xuất sơn… Methanol được điều chế bằng nhiều cách như chưng cất khí đốt từ cây gỗ hoặc than, các nguồn khí đốt khác, nguồn sinh khối (biogas), từ khí CO2 trong không khí hay khí đốt hóa thạch… nó có đặc điểm không màu, không mùi và là loại hóa chất độc hại có thể gây tử vong nếu uống nhầm và nó có vị tương đối ngọt hơn nếu so sánh với ethanol, nhưng vì sao nó lại là một sát thủ thì không phải ai cũng biết.
Methanol là một loại rượu thường được cất từ gỗ, là một chất rất dễ hòa tan trong nước, dễ bay hơi và dễ cháy. Trong quá trình lên men rượu nói chung, cũng tạo ra một lượng methanol và khi chưng cất, Methanol sẽ ra đầu tiên. Theo tiêu chuẩn, các loại rượu chỉ được có dưới 0,1mg Methanol trong mỗi lít, nếu vượt quá giới hạn này sẽ trở thành một loại rượu cực độc.
Vì sao có hàm lượng methanol tăng cao trong rượu:
- Dùng nguyên liệu có lẫn bã (gỗ): Thường rượu được chưng cất từ gạo (tẻ, nếp) hoặc từ đường mía (dạng mật mía). Nguyên liệu phải không chứa các loại bã dạng gỗ (cenlulose). Cơ sở cất rượu thủ công có khi dùng loại mật mía không sạch bã. Trong quá trình lên men chưng cất, bã sẽ phân hủy cho ra methanol. Dù ép kỹ đến mấy thì trong bã vụn của mía vẫn còn đường và nếu lên men chưng cất thì vẫn có rượu. Nhưng nếu tận dụng bã này hay dùng mật mía cặn chứa nhiều bã vụn chế rượu thì hàm lượng methanol trong rượu sẽ rất cao.- Chế từ loại cồn ethylic kém chất lượng: Thông thường vẫn có thể dùng cồn thực phẩm hay cồn dược dụng hòa với nước để có rượu. Một lượng lớn rượu bán trên thị trường chế theo cách này. Một lít cồn này giá 15.000đ có thể chế ra hơn 3 lít rượu chỉ cần bán một lít 10.000đ cũng có lãi cao (vì hầu như không tốn kém gì như khi lên men chưng cất ). Tuy nhiên, những nhà làm rượu theo kiểu này thường mua cồn có chất lượng kém hơn, có giá thấp hơn. Loại cồn có chất lượng kém này vốn có hàm lượng methanol aldehyt, aceton cao vượt tiêu chuẩn (ngửi thấy mùi khó chịu), nên khi pha ra rượu sẽ có nhiều methanol, aldehyt, aceton)
- Dùng cồn methanol mà không biết: Cồn khô dùng trong công nghiệp chứa methanol. Methanol có nhiệt độ bốc hơi thấp hơn rượu. Người làm rượu thường cho loại cồn khô này vào khi chưng cất, khi pha rượu (từ cồn) hay chế rượu thuốc, để làm cho rượu chóng ra hơn, dậy mùi hơn, mà không biết làm thế là đưa chất độc methanol vào rượu.
- Do không loại bỏ phần rượu chứa methanol lúc đầu: Khi chưng cất rượu thì giai đoạn đầu tiên sẽ có tạp chất methanol, aldehyd, aceton (vì các chất này bốc hơi ở nhiệt độ thấp, bốc ra ngay ra ở giai đoạn cất đầu). Những chất này có mùi khó chịu khác hẳn mùi của rượu ethylic. Lẽ ra phải bỏ đi, nhưng người làm rượu tiếc, giữ lại.
Độc tính methanol có biểu hiện như thế nào?
Theo quy định, hàm lượng Methanol trong rượu chỉ khoảng 0,1%. Nghĩa là cứ 1.000ml rượu mới có 1ml Methanol. Liều lượng gây chết người của Methanol trong khoảng 30-240ml (20-150g). Một cách xác định khác cho thấy chỉ cần 20mg/l methanol trong máu là gây ngộ độc và trên 40 mg/l là ngộ độc nặng.Nếu uống phải rượu có Methanol thì sau 6-24 giờ sau khi uống bắt đầu xuất hiện triệu chứng loạng choạng, hoa mắt, chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn và đau bụng. Sau đó người bệnh cảm thấy nhìn mờ, nhìn thấy hai hình hoặc có rối loạn cảm nhận về màu sắc, có khi không nhìn thấy gì…
Triệu chứng nghiêm trọng xuất hiện sau đó là tím tái, hôn mê, co giật, rối loạn điện giải, tụt huyết áp và ngưng tim dẫn đến tử vong. Trường hợp được cứu sống, bệnh nhân có thể bị mù vĩnh viễn hoặc bị di chứng thần kinh.
Methanol khi vào cơ thể sẽ bị đào thải rất chậm và có khả năng tích lũy nếu con người thường xuyên uống rượu có loại độc chất này.
Trung bình sau từ 02 tới 04 tiếng, sau ngộ độc, bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng như một người say rượu. Thường thì không phát hiện và vài tiếng sau bệnh nhân cứ dần lịm đi.
Nếu không phát hiện kịp thời, người ngộ độc Methanol sẽ bắt đầu thở nông, thở nhanh, người tím tái, rơi vào hôn mê, co giật, tụt huyết áp và thậm chí ngưng tim, ngưng thở, gây tử vong.
Ngộ độc rượu Methanol là một loại ngộ độc rất nguy hiểm. Cái nguy hiểm ở chỗ cơ chế gây độc làm bệnh nhân chết rất nhanh chỉ trong vòng từ 6 tới 30 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì đa số cho rằng bệnh nhân chỉ say rượu ngủ một giấc rồi sẽ tỉnh. Song, theo cơ chế phản ứng hóa học trong cơ thể thì khi ngộ độc Methanol sau 02 giờ đồng hồ sẽ chuyển hóa thành Formic acid là chất cực độc gây tử vong cho bệnh nhân. Nên nhiều người đã bỏ qua thời gian cấp cứu để đưa nạn nhân đến bệnh viện.
Phòng tránh ngộ độc rượu do methanol.
để phòng tránh ngộ độc methanol, trước hết là giảm uống rượu, không vì ham rẻ mà mua rượu không rõ nguồn gốc như mua rượu bán rong hay rượu pha chế không bảo đảm. Cũng cần phải nhớ rằng không phải rượu nào cũng là rượu uống được, cồn nào cũng có thể pha thành rượu được. Cuối cùng, không uống quá nhiều rượu, bia và nên uống có chừng mực: tốt nhất là 1 ngày không uống quá 50ml rượu mạnh hoặc 750ml bia.Tác giả bài viết: Băng Hiền
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn