Với ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, thực phẩm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn có ý nghĩa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, ngăn chặn và hạ thấp các bệnh do thực phẩm không an toàn gây ra. Vì vậy, có thể nói, khi đạt chất lượng vệ sinh an toàn, thực phẩm là một trong những nguồn sống của con người. Và tất nhiên, để nhận được nguồn sống lành mạnh và dồi dào từ thực phẩm, con người cần phải thực hiện rất nhiều hoạt động nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.Thực phẩm là tất cả mọi đồ ăn, thức uống ở dạng chế biến hoặc không chế biến mà mỗi người hàng ngày sử dụng để ăn, uống nhằm cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để cơ thể duy trì các chức phận sống. Các nhóm chất dinh dưỡng chính mà thực phẩm cung cấp bao gồm năng lượng, chất đạm, chất béo, các vitamin, khoáng chất, nước và chất xơ. Có vô số các loại thực phẩm khác nhau, mỗi thực phẩm có thể cung cấp đồng thời nhiều chất dinh dưỡng cùng một lúc. Tuy nhiên, mỗi thực phẩm thường có xu hướng cung cấp một nhóm dinh dưỡng chủ đạo trong số các nhóm chất vừa kể trên và khi không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm chính là nguồn gây bệnh. Bởi giàu chất dinh dưỡng nên thực phẩm cũng là môi trường hấp dẫn các vi sinh vật sinh sống và phát triển bao gồm các loại vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng có khả năng gây ra nhiều loại bệnh có ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe của con người.
Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, ở tỉnh Quảng Trị, thực phẩm được tiêu thụ dưới nhiều hình thức đa dạng như thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã được chế biến sẵn, thực phẩm ăn ngay thường được sản xuất tại các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất nhỏ, các quán ăn vỉa hè tạm bợ và người bán hàng rong trên đường phố... Bên cạnh đó là sự đa dạng của hàng thực phẩm ngoại nhập dưới nhiều phương thức chế biến, sử dụng, nhiều chất phụ gia thực phẩm và chất bảo quản thực phẩm. Bên cạnh sự tiện lợi trong kinh doanh và tiêu dùng, thực trạng này ẩn chứa nhiều nguy cơ người tiêu dùng sử dụng thực phẩm không đảm bảo chất lượng và vệ sinh có thể gây ngộ độc và các bệnh tiêu hóa cấp tính, nghiêm trọng hơn thì dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Trước tình hình hàng năm vẫn còn xảy ra một vài trường hợp ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, ngành y tế của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm ngăn chặn tối đa các vụ ngộ độc do thực phẩm không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. Thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, các đợt kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, các chương trình truyền thông-giáo dục và tháng hành động
Vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm với nhiều khẩu hiệu thiết thực như "Người sản xuất, kinh doanh thực phẩm có lương tâm", "Người tiêu dùng thông thái", "Thức ăn đường phố với đời sống văn hóa-sức khỏe", "Bảo đảm an toàn vệ sinh thức ăn đường phố", "Phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm", "Bảo đảm đủ điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm", “Thực phẩm chức năng: Hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng”, “Cộng đồng trách nhiệm để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: Nhà nước-Doanh nghiệp-Người tiêu dùng”, “Giữ vững cam kết về trách nhiệm của doanh nghiệp với an toàn vệ sinh thực phẩm”,... những người làm công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở tất cả các tuyến trong toàn tỉnh đã từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sức khỏe của từng cá nhân, gia đình và cộng đồng. Những nội dung và hình thức truyền thông về tầm quan trọng của chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong đời sống sức khỏe cộng đồng ngày càng phong phú, đa dạng và tiếp cận được với người dân là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân...
Từ những cố gắng của các cấp, các ngành cho thấy vệ sinh an toàn thực phẩm đến nay đã được nhiều người dân trong tỉnh hiểu là những biện pháp, mọi nỗ lực nhằm đảm bảo cho thực phẩm ăn vào không gây hại đối với sức khỏe và tính mạng của con người. Vì vậy, đã và đang có nhiều người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, cơ sở chế biến thực phẩm thực hiện các quy định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm với ý thức có lợi đối với sức khỏe của người tiêu dùng cũng như hiệu quả kinh doanh của mình. Họ là những nông dân không sử dụng thuốc trừ sâu trong vườn rau nhà mình; những người trồng bí, bầu, mướp, cà chua không trông chờ lợi nhuận nhờ vào thuốc bảo vệ thực vật; những người chăn nuôi không dùng thức ăn tăng trọng ngoài quy định để lợn, gà, vịt tăng trưởng nhanh; những người bán rau, quả ở các chợ ý thức rằng lợi ích đối với sức khỏe của khách hàng khi sử dụng rau, quả được mua từ quầy của họ về nấu các món ăn cũng là cách để họ đảm bảo doanh thu ngày càng cao... Hơn nữa, ăn uống có chất lượng, hợp vệ sinh, đảm bảo an toàn là xu hướng của nhân dân trong tỉnh hiện nay. Từ các loại rau, quả tươi giàu chất dinh dưỡng có hoạt tính sinh học cao với nhiều vitamin, chất vi khoáng, kháng sinh thực vật, các acid hữu cơ và một ít protein để tạo ra bữa ăn hợp lý, khoa học cùng với cá, thịt gia súc và gia cầm đền thịt và cá hộp, bánh, kẹo, nước giải khát, mì ăn liền đều có khả năng đáp ứng nhu cầu về năng lượng mỗi ngày của con người trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, học tập và lao động với hiệu quả ngày càng cao.
Việc hiểu rõ vấn đề ăn uống có tác dụng sâu sắc đến sức khỏe của mỗi người và sự phát triển của toàn xã hội là điều hết sức cần thiết đối với mọi người. Do tính chất quan trọng và thiết thực của thực phẩm an toàn đối với đời sống sức khỏe, những hoạt động nhằm tăng cường đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được đẩy mạnh trong thời gian qua đã có tác dụng hướng dẫn và nhắc nhở người dân thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Những hoạt động này đã và đang tích cực góp phần nâng cao nhận thức, ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của cộng đồng và khuyến khích người dân thực hành tốt vệ sinh an toàn thực phẩm trong đời sống, tạo ra bức tranh xã hội an toàn, ổn định và văn minh trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng.