Trong tháng 8-9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội lấy 63 mẫu rau quả kiểm nghiệm đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì hơn 22% tồn dư vượt ngưỡng cho phép. Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cũng kiểm nghiệm 120 mẫu rau được lấy tại một số chợ của Hà Nội thì phát hiện 40 mẫu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó một nửa là rau ngót, có 14 mẫu rau muống và 5 rau mồng tơi.
Mới đây nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố kết quả kiểm giám sát sản phẩm nông sản trong 9 tháng đầu năm, phát hiện 10,3% mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép.
|
Ảnh minh họa: Anh Quân. |
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho rằng cần quan tâm đến 0% mẫu rau củ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vì nó trực tiếp nguy hiểm hơn. Trước đây con số này chỉ khoảng 5% tương đương với các nước trong khu vực, nhưng 10 tháng đầu năm đã cao hơn. Đây là vấn đề rất quan trọng.
“Tồn dư kháng sinh chưa để lại hậu quả ngay lập tức nhưng thuốc vệ thực vật tồn dư vượt ngưỡng, nhất là thuốc trừ sâu rất nguy hiểm. Mới đây nhất tại Nam Định xảy ra vụ ngộ thực phẩm do thuốc bảo vệ thực vật trong rau ngót khiến 48 người nhập viện, rất may không có tử vong”, ông Phong nhấn mạnh.
Ngoài rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, cơ quan chức năng cũng ghi nhận 16% mẫu thịt có chất tạo nạc salbutamol - loại bị cấm sử dụng; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng. Điều đó cho thấy nguy cơ mất an toàn với sản phẩm nông sản vẫn có.
Trước tình trạng người chăn nuôi sử dụng chất cấm, kháng sinh dùng cho người để trộn vào thức ăn chăn nuôi, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, theo Cục Quản lý Dược những năm gần đây không có doanh nghiệp nào nhập khẩu clenbutarol. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn phát hiện hóa chất này tồn dư trong sản phẩm động vật. Có khả nặng chất này được nhập lậu, sử dụng vào chăn nuôi.
Bà Nga cho biết, từ đầu năm đến nay, Bộ Y tế cho phép nhập 3,5 tấn sabutamol (người chăn nuôi lạm dụng làm chất tạo nạc). Tổ chức Y tế thế giới cũng xếp sabutanol vào nhóm thuốc thiết yếu, quan trọng cần thiết trong hệ thống y tế. Việc nhập bao nhiêu là căn cứ vào nhu cầu sử dụng cho việc khám chữa bệnh. Bộ Y tế có yêu cầu rất nghiêm ngặt về việc nhập cũng như sản xuất, kinh doanh; khó có chuyện tuồn ra ngoài.
Theo Phó Cục An toàn thực phẩm, khó có chuyện lấy kháng sinh của người để dùng cho động vật. Kháng sinh có loại dùng cho người, có loại dùng cho động vật. Loại dùng cho người thì Bộ Y tế quản lý; loại dùng cho động vật thì do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Thuốc dùng cho người có yêu cầu nghiêm ngặt hơn về mặt kỹ thuật, chất lượng hơn so với sản phẩm dùng cho động vật. Bộ Y tế kiến nghị cơ quan quản lý cần tập trung kiểm gia giám sát các cơ sở chăn nuôi, cơ sở kinh doanh thuốc vệ bảo thực vật, thuốc thú y.
Tại Việt Nam, clenbutarol và salbutamol cùng với ractopamine là 3 chất đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành năm 2002. Trong đó, clenbutarol là chất độc hại nhất rất dễ tồn dư trong thịt và có thể gây trúng độc mãn tính và cấp tính: Rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, phù nề, liệt cơ, tăng huyết áp... Nó còn có thể gây ung thư hoặc đột biến tế bào.
Nam Phương