Theo Cục ATTP, cả nước hiện có 256 KCN, KCX phân bổ tại 61 tỉnh, thành trên cả nước. Riêng vùng kinh tế trọng điểm phía nam đã có 65 KCN, KCX với hơn 1,17 triệu lao động trực tiếp và 1,5 triệu lao động gián tiếp. Từ năm 2010 - 2014, cả nước ghi nhận có 859 vụ ngộ độc thực phẩm với 22.522 người bị ngộ độc, 21.951 người phải nhập viện và 184 người bị tử vong. Trong đó có 48,2% vụ ngộ độc thực phẩm do bảo quản không tốt cá biển, 44,4% vụ do thức ăn được chế biến từ thịt bảo quản ở nhiệt độ thường trong thời gian dài...
Theo nhận định của Cục ATTP thì tình hình trên xuất phát từ các nguyên nhân như: một bộ phận lớn các cơ sở chấp nhận sử dụng thực phẩm giá rẻ; ngày càng nhiều cơ sở cung cấp suất ăn chế biến sẵn, nhưng nhiều cơ sở có quy mô nhỏ, điều kiện thủ công, khó kiểm soát về an toàn thực phẩm. Nhiều địa phương quy định việc kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp nằm trong KCN, KCX phải được thông báo trước từ 7 - 10 ngày và phải được chấp thuận của chủ doanh nghiệp, nên khó kiểm tra đột xuất các bếp ăn tập thể.
Là doanh nghiệp có hơn 24.000 lao động, đại diện Công ty Chang Shin Việt Nam (Đồng Nai) đề xuất nhà nước phải xử lý nghiêm khắc đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về chế biến thực phẩm, đồng thời có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng mô hình, chuỗi thực phẩm từ nơi trồng trọt đến bàn ăn.
Trong khi đó, đại diện Công ty Vitafood (Bình Dương) cho biết việc khám sức khỏe cho nhân viên chế biến suất ăn được quan tâm hàng đầu. Nhà xưởng được xây dựng kiên cố, xa khu vực chăn nuôi, ô nhiễm môi trường. Tất cả các cửa sổ và cửa đi đều được gắn lưới chống côn trùng. Ngoài việc đảm bảo sức khỏe theo quy định, trước khi vào xưởng nhân viên phải mặc đồng phục, bảo hộ đầy đủ...
Hoàng Phương