Thực trạng, nguyên nhân nhiễm Pseudomonas Aeruginosa trong nước uống đóng chai.

Chủ nhật - 04/01/2015 20:31
Nước uống đóng chai hiện đã trở thành một sản phẩm được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Do nhu cầu sử dụng của người dân và tính tiện ích mà sản phẩm này mang lại nên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều loại thương hiệu nước uống đóng chai. Tuy nhiên, một số CSSX vì chạy theo lợi nhuận đã không tuân thủ quy trình sản xuất cho nên tình trạng ô nhiễm vi sinh vật trong nước uống đóng chai còn khá cao, đặc biệt là Pseudomonas aeruginosa (P.aeruginosa).
Vi khuẩn P.aeruginosa
Vi khuẩn P.aeruginosa
Vi khuẩn P.aeruginosa (hay còn gọi là trực khuẩn mủ xanh) là một vi khuẩn gram âm, hiếu khí, có lông 2 đầu. Trực khuẩn thẳng, hơi cong, hai đầu tròn, kích thước 0.5 - 1µm x 1 - 5 µm. Có một lông ở một đầu, di động, ít khi có vỏ, không sinh nha bào.

Loại vi khuẩn phổ biến gây bệnh ở động vật và con người. Nó được tìm thấy trong đất, nước, hệ vi sinh vật trên da và ngay cả ở những nơi nghèo dinh dưỡng, các môi trường nhân tạo như trên bề mặt nhựa PVC, vi khuẩn cũng được phát hiện trên các dụng cụ y khoa bao gồm catheter, gây ra nhiễm khuẩn bệnh viện và phòng mạch.  Vi khuẩn này có thể gây nhiều bệnh khác nhau ở người. Nó phát triển mạnh ở các vết thương, vết bỏng; gây nhiễm trùng đường hô hấp kết hợp với các vi khuẩn khác; gây nhiễm trùng các vết thương ở mắt. Từ những vị trí này,P.aeruginosa có thể xâm nhập sâu vào cơ thể gây hoại tử vết thương, nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Những bệnh nhân bị bệnh xơ nang phổi hoặc suy giảm miễn dịch có thể bị bội nhiễm trực khuẩn mủ xanh gây nhiễm trùng phổi nặng. Tắm, lội ở các vùng nước nhiễm bẩn, trực khuẩn mủ xanh có thể gây viêm nang lông (nhiễm trùng da), viêm tai giữa. Điều đáng ngại là vi khuẩn P.aeruginosa kháng với nhiều loại kháng sinh.

Không có bằng chứng về khả năng nước uống là nguồn gây nhiễm trực khuẩn mủ xanh đối với cộng đồng. Tuy nhiên, sự hiện diện với số lượng lớn trực khuẩn mủ xanh trong nước uống, chủ yếu là do không tuân thủ đúng quy trình thực sản sản xuất vô khuẩn tại các cơ sở và có thể do nước đóng chai, đóng bình không được bảo quản sau lọc. Sự hiện diện của trực khuẩn mủ xanh trong nước uống đóng chai, đóng bình chứng tỏ mẫu nước đó chưa được tiệt trùng thích hợp như nhiễm bẩn từ đường ống hoặc thiết bị lọc hay từ chai, bình chứa không được rữa sạch hong khô tiệt khuẩn đúng thời gian quy định Bởi vì, trực khuẩn mủ xanh dễ bị tiêu diệt bởi các phương pháp khử khuẩn thông thường bằng cách đun sôi, tia cực tím, ozon, clo. 
 
Tại Quảng Trị, nước uống đóng chai bị nhiễm P. aeruginosa có tỉ lệ khá cao so với một số địa phương khác trong cả nước. Kết quả hậu kiểm cho thấy, trong năm 2011 có 13/56 mẫu nước uống đóng chai bị nhiễm P.seudomonas, chiếm tỉ lệ 23,21%; năm 2012, có đến 26,32% mẫu nước nhiễm P. aeruginosa (15/57), năm 2013 tỉ lệ này chỉ có 13,33% (8/60) và năm 2014 tỷ lệ nước uống đóng chai bị nhiễm P. Aeruginosa vẫn còn rất cao 22,22% (14/63). So với thành phố Hồ Chí Minh 17.6% , Hà Nam 5,3%, Bình Định 2% mẫu bị nhiễm P.aeruginosa.

Theo kết quả kiểm tra tại các CSSX nước uống đóng chai của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho thấy, hầu hết các CSSX nước uống đóng chai trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có quy mô sản xuất nhỏ lẽ, hộ gia đình, không nghiêm túc tuân thủ đầy đủ các công đoạn trong quy trình sản xuất nước uống đóng chai, hiểu biết và thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của chủ cơ sở và người lao động sản xuất còn nhiều hạn chế đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước uống đóng chai bị ô nhiễm còn khá cao.
 
Để sản xuất NUĐC được đảm bảo an toàn, tránh ô nhiễm vi sinh và các hóa chất độc hại, cơ sở cần kiểm soát chặt chẽ nguồn nước đầu vào; công đoạn lọc và thanh trùng nước an toàn; các bước làm sạch bình chứa và thói quen thực hành tốt VSATTP trong việc đóng nắp, lưu kho thành phẩm. Sau đây là một số giải pháp tránh ô nhiễm vi sinh nói chung và khắc phục thực trạng, nguyên nhân nhiễm khuẩn P. Aeruginosa trong nước uông đóng chai.

1. Trước hết, nguồn nước sử dụng ăn uống phải được kiểm nghiệm các chỉ tiêu theo QCVN 01:2009/BYT. Nguồn nước đầu vào để sản xuất NUĐC, bao gồm nguồn nước thủy cục (nước máy) hoặc nguồn nước từ giếng khoan, giếng đào, đều phải được kiểm nghiệm 109 theo quy định, nếu không có điều kiện thì ít nhất cũng phải kiểm nghiệm 31 chỉ tiêu bao gồm: 15 chỉ tiêu mức độ giám sát A và 16 chỉ tiêu mức độ giám sát B. Tuy nhiên, các đơn vị cung cấp nước máy và CSSX NUĐC sử dụng giếng khoan, giếng đào vẫn chưa nghiêm túc thực hiện đầy đủ quy định này.

 2. Tiếp đến, cơ sở sản phải đủ rộng để đảm bảo thực hành sản xuất 1 chiều và có ít nhất 5-6 phòng gồm: Khu thu gom xử lý bình, khu rữa bình, phòng không kho tiệt khuẩn, phòng chiết, phòng đóng gói sản phẩm và phòng sản phẩm, Đặc biệt bắt buộc cần phải có thêm phòng thay trang phục bảo hộ lao động có bồn rữa tay, khay ngâm ủng…vv.

3. Các bước làm sạch bình chứa được thực hiện từ phòng rửa ngoài đến phòng tiệt trùng. Bình chứa tái sử dụng được rửa ngoài, ngâm trong hồ chứa Cloramin B để sát khuẩn, sau đó rửa trong và được hong khô, tiệt trùng bằng tia cực tím trước khi chiết rót. Trong khi đó, nhiều CSSX tạm bợ, tận dụng nhà ở, nơi sinh hoạt chật hẹp để làm nơi sản xuất, do đó không đảm bảo diện tích để bố trí cơ sở theo quy trình một chiều trong việc súc rửa, ngâm và tiệt trùng bình chứa sản phẩm. Vì bình chứa sản phẩm thường được tái sử dụng nhiều lần và người tiêu dùng sử dụng bình chứa vào nhiều mục đích khác nhau, cho nên nguy cơ ô nhiễm vi sinh hoặc hóa chất độc hại vào nước uống là rất cao.

 4. Công đoạn xử lý nguồn nước an toàn, nguồn nước phải được đi qua hệ thống lọc thô, sục OZON lần 1 và qua hệ thống than hoạt tính để được khử mùi, làm mềm và điều chỉnh độ PH, tiếp tục qua các bộ lọc để loại trừ cặn bẩn, xác vi sinh vật. Sau đó nguồn nước đi qua hệ thống RO (Reserve Osmonic)- công đoạn lọc tinh bằng màng thẩm thấu ngược- là màng vi lọc có kích thước lỗ lọc rất nhỏ 0,001µm để xử lý sạch nguồn nước. Với màng lọc rất nhỏ 0,001µm có thể loại bỏ vi khuẩn kích P. Aeruginosa thước 0.5 - 1µm x 1 - 5 µm. Cuối cùng, nguồn nước sạch được qua hệ thống bình lọc OZON lần 2, diệt khuẩn bằng tia cực tím và bộ lọc 0,2 micromet để được xử lý triệt để. Thực tế tại các CSSX NUĐC trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cho thấy, do điều kiện nhỏ lẽ, để hạn chế chi phí đầu tư nhiều cơ sở sử dụng trang thiết bị lạc hậu, công nghệ không phù hợp với công suất hoạt động của cơ sở cho nên việc xử lý và thanh trùng nước không triệt để. Tại các cơ sở này, thường sử dụng thiết bị rẽ tiền không đảm bảo quy trình hoặc giảm bớt một vài thiết bị trong hệ thống lọc khép kín; không thay đổi màng lọc định kỳ cho nên nguồn nước không được đảm bảo tinh sạch về vi sinh vật và hoá lý, không đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất NUĐC.

5. Cuối cùng, ý thức và thực hành tốt về VSATTP của chủ cơ sở và người tham gia sản xuất sẽ hạn chế rất nhiều nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật, đặc biệt P.aeruginosa vào NUĐC, như tuân thủ các quy định: sử dụng bảo hộ lao động, thực hiện rửa tay đúng quy trình trước khi chiết rót và đóng nắp bình chứa sản phẩm, bảo quản và lưu kho đúng quy định.   

Nếu được áp dụng tốt và đồng bộ các giải pháp trên thì chắc chắn sẽ hạn chế được thực trạng nhiễm vi sinh vật trong nước uống đóng chai lưu hành tại Quảng Trị. Đây là việc làm mang lại lợi ích vừa trước mắt, vừa lâu dài cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng./.

Tác giả bài viết: BS Hồ Sỹ Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây