Quảng Trị: Kết quả thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020
Thứ tư - 03/06/2020 20:30
Theo Báo cáo kết quả trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị, trong Tháng hành động Ban chỉ đạo Liên ngành VSATTP tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 22/KH-BCĐLNVSATTP ngày 17/3/2020 về việc Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2020. Công văn số 485/BCĐ-ATTP ngày 06/4/2020 về việc thành lập Đoàn thanh tra trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020. Theo đó các Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông Nghiệp, Phòng Cảnh sát môi trường (PC05)- Công an tỉnh và các đơn vị trực thuộc cũng đã ban hành các văn bản về thanh kiểm tra trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020.
Về công tác truyền thông, do Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 triển khai trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 nên tỉnh không tổ chức được Lễ phát động tháng hành động, công tác Hội nghị, tuyên truyền về ATTP triển khai lồng ghép là chủ yếu. Toàn tỉnh đã xây dựng 4 phóng sự về an toàn thực phẩm với các nội dung: “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm”; “Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”; “Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn phục vụ khu cách ly”; “Đảm bảo An toàn thực phẩm và Chế độ dinh dưỡng trong mùa dịch”. Về kết quả thanh tra, kiểm tra đối với Ngành Y tế: đã tổ chức được 133 đoàn (trong đó Liên ngành: 120 đoàn và chuyên ngành: 13 đoàn). Số cơ sở được thanh tra, kiểm tra: 1.737 lượt cơ sở. Qua kiểm tra 1.737 cơ sở đã phát hiện 380 cơ sở vi phạm về quy định đảm bảo ATVSTP (chiếm tỷ lệ 21,87%). Tiến hành xử lý 22 cơ sở, trong đó phạt tiền 08 cơ sở với số tiền phạt là 5.500.000 đồng. Ngoài việc xử phạt, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã buộc tiêu hủy 21 loại sản phẩm không đảm bảo chất lượng ATVSTP (bao gồm nước ngọt các loại, sữa chua, cà phê, bánh kẹo, bột nêm v.v..) của 14 cơ sở, đồng thời bắt buộc các cơ sở này phải cam kết không được kinh doanh các mặt hàng không đảm bảo chất lượng. Về kết quả thanh tra, kiểm tra đối với Các ngành khác như (Nông nghiệp, Cục Quản lý Thị trường, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường-PC05): Trong Tháng hành động năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Quản lý Thị trường, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường (PC05) đã đã tiến hành thanh kiểm tra 263 vụ/cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong đó có 44 vụ/cơ sở vi phạm, phạt tiền 43 vụ/ cơ sở với số tiền 46.550.000 đồng (Sở Nông nghiệp: 19.100.000đ; Cục Quản lý Thị trường: 17.450.000đ; Phòng PC05: 10.000.000đ), tịch thu thực phẩm nhập lậu có trị giá 12.040.000 đồng gồm 106 chai rượu nhập lậu và 53 kg bánh kẹo các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu hủy 312 kg các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm bao gồm các loại chả, thịt heo, măng chua, mít v.v.. Trong tháng hành động toàn tỉnh đã tổ chức 10 đoàn giám sát an toàn thực phẩm phục vụ cho các điểm cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19, trong đó có 01 đoàn của tỉnh và 9 đoàn của 9 huyện thị. Trong tháng hành động năm 2020, toàn tỉnh Quảng Trị không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra trên địa bàn. Các Đoàn thanh tra kiểm tra đã tiến hành lấy 566 mẫu thực phẩm để kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, trong đó: 12 mẫu gửi Labo xét nghiệm và đến thời điểm báo cáo có 05/12 mẫu đạt (02 mẫu chả thẻ, 01 mẫu nem kiểm tra vi sinh; 01 mẫu tương ớt, 01 mẫu nem kiểm tra phẩm màu Rhodamin B), 07 mẫu đang chờ kết quả. Xét nghiệm nhanh 554 mẫu thực phẩm trong đó: 32 mẫu cho kết quả dương tính bao gồm các mẫu hàn the trong chả, sulfit trong măng chua, mít v.v.. Sau thời gian chấm dứt giãn cách xã hội, các tuyến đã tổ chức các đoàn giám sát tư vấn, hướng dẫn chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong phòng chống dịch COVID-19; hướng dẫn các cơ sở bố trí phương tiện rửa tay và khử trùng tay ở nơi thuận tiện cho khách hàng rửa tay trước khi ăn; mặc trang phục bảo hộ đầy đủ, đội mũ chụp tóc, đeo khẩu trang khi chế biến và phục vụ khách hàng; thực hành tốt vệ sinh cá nhân trong quá trình chế biến thực phẩm ... Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh đề nghị Ban chỉ đạo tuyến huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền,giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm đến các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm trên các trang thông tin đại chúng. Có kế hoạch kiểm tra kịp thời, thường xuyên tại các cơ sở thực phẩm nhằm chấn chỉnh, uốn nắn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm nhiều lần sau khi đã được nhắc nhở khắc phục mà vẫn cố tình vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.