Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm được ban hành kịp thời. Công tác phổ biến, tập huấn, hướng dẫn áp dụng các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm được tổ chức thực hiện với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp với điều kiện đặc thù, cụ thể ở từng địa phương, đối tượng. Nhận thức của các cấp chính quyền, cán bộ, quần chúng nhân dân về tuân thủ và áp dụng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm từng bước được nâng lên. Các cơ sở, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm bước đầu đã có sự nghiên cứu, áp dụng các quy định của pháp luật; có ý thức trong việc sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; ví dụ Làng Nghề Mỹ Chánh sản xuất mứt phục vụ tết hầu hết hộ gia đinh không sử dụng chất tẩy trắng mà sử dụng chanh tươi để chê biến mứt gừng; Việc sử dụng hàn the trong chế biến giò chã giảm đáng kể từ 65% năm 2013 xuống 14% năm 2014, hầu hết người sản xuất chế biến giò chã tìm mua phụ gia mới có lợi cho sức khỏe để thay thế hàn the là phụ gia độc hại cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm.
Bên cạnh những kết quả đó, công tác thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm có một số tồn tại, hạn chế:
Qua việc tổ chức thanh, kiểm tra trong năm 2014 trên địa bàn toàn tỉnh có 5399 cơ sở được thanh kiểm tra, thì có đến 1220 cơ sở vi phạm chiếm22%. Các vi phạm chủ yếu là: điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ không đảm bảo, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên hoặc không có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, đặc biệt chất lượng hậu kiểm các sản phẩm sản xuất trong tỉnh và những sản phẩm lưu thông trên thị trường vẫn chưa đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn của sản phẩm đã công bố;
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm, đặc biệt hướng thực thi pháp luật mới chỉ tập trung đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chưa có đủ điều kiện kinh phí để tổ chức đến mọi người dân.
Nguồn nhân lực, kinh phí và các điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác triển khai thi hành các quy định pháp luật an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh cũng còn khó khăn, đặc biệt các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động kiểm nghiệm. Điều này ảnh hưởng, tác động đến việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, ý thức chấp hành pháp luật an toàn thực phẩm của các tổ chức cá nhân trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác thi hành pháp luật an toàn thực phẩm ở địa phương chưa được tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ thường xuyên, kịp thời. Vì vậy, việc áp dụng các quy định pháp luật về ATTP cũng còn có hạn chế do chưa thường xuyên cập nhật kiến thức.
Chế tài xử lý vi phạm pháp luật về ATTP hiện nay chưa nghiêm, với 1220 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm vi phạm, nhưng chỉ có 212 cơ sở được xử lý chiếm 17,3% và chỉ có 32 cơ sở có phạt tiền. Còn lại hơn 82% số cơ sở vi phạm nhưng chưa được xử lý đều do các ngành chức năng tuyến huyện, xã thanh kiểm tra.
Để tháo gỡ khó khăn, hạn chế trong công tác thi hành pháp luật an toàn thực phẩm và nâng cao hiệu quả của công tác này các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh cần tập trung thực hiện các giải pháp: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm; Chú trọng công tác phối hợp giữa các cơ quan ban, ngành trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm;Ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, hướng dẫn về thi hành pháp luật;Thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ phụ trách thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm;Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc kiểm tra thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm và có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn, theo tiêu chuẩn chất lượng.