Tăng cường kiểm tra thực phẩm dịp cuối năm và Tết

Thứ ba - 17/12/2013 03:33
Theo thông lệ, cứ vào dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng lên. Nắm bắt được thực tế này, nhiều đối tượng sản xuất, kinh doanh (KD) thực phẩm đã cố tình sản xuất, buôn bán thực phẩm không đảm bảo. Do đó, vấn đề mất an toàn thực phẩm (ATTP) luôn là nỗi lo lớn của người tiêu dùng vào dịp cuối năm... Phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống đã trao đổi với TS. Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.
TS. Trần Quang Trung.
TS. Trần Quang Trung.
PV: Thưa ông, mặc dù cơ quan chức năng đã đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra về ATTP, tuy nhiên số lượng cũng như hình thức vi phạm liên quan đến sản xuất, KD thực phẩm vẫn không hề thuyên giảm?

TS. Trần Quang Trung: Theo số liệu của Cục ATTP, trong 10 tháng qua, cả nước đã tổ chức gần 30.000 đoàn thanh, kiểm tra ở các cấp, tiến hành thanh, kiểm tra gần 500.000 lượt cơ sở thực phẩm, phát hiện gần 100.000 lượt cơ sở vi phạm, chiếm khoảng 21%. Trong đó, có 5.116 cơ sở có sản phẩm không đạt bị tiêu hủy với tổng số 5.518 loại sản phẩm khác nhau. Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm còn chưa nghiêm, nhất là ở tuyến xã và tuyến huyện, tỷ lệ cơ sở có vi phạm không bị xử lý chiếm 80%. Trong số các cơ sở vi phạm có những cơ sở cố tình sử dụng nguyên liệu thực phẩm không bảo đảm an toàn như sản phẩm động vật chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, đã thối rữa hoặc sử dụng chất cấm, chất độc hại như tinopal, axit maleic, rhodamine B,... để sản xuất, chế biến, KD thực phẩm. Bên cạnh đó, một số cơ sở cố tình quảng cáo sai quy định, thậm chí quảng cáo thực phẩm có công hiệu thay thế thuốc chữa bệnh hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã đăng ký... gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tăng cường kiểm tra thực phẩm dịp cuối năm và Tết

Kiểm tra an toàn thực phẩm. Ảnh nguồn: internet

PV: Còn khoảng hơn một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, cơ quan chức năng sẽ có biện pháp gì để tăng cường kiểm soát ATTP, thưa ông?

TS. Trần Quang Trung: Trong tháng 12/2013, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã thành lập 9  đoàn thanh, kiểm tra Trung ương để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại 18 tỉnh, thành trọng điểm. Các đoàn sẽ tập trung thanh, kiểm tra về nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị sản xuất những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như: thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo... Riêng Bộ Y tế, ngoài việc tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành thì trong tháng 12 này sẽ có 2 đoàn kiểm tra về thực phẩm chức năng. Chúng tôi cũng giao nhiệm vụ cho các tỉnh từ nay đến quý 1/2014 rà soát lại toàn bộ hơn 1.700 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng trong cả nước. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế cũng đã có chỉ thị đề nghị Giám đốc Sở Y tế các địa phương có trách nhiệm phối hợp với các sở ngành khẩn trương triển khai đợt thanh, kiểm tra về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Việc thanh, kiểm tra cần chú trọng các cơ sở sản xuất, KD thực phẩm tươi sống, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn, các cơ sở sản xuất, KD phụ gia thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể. Đối với các tỉnh biên giới cần đặc biệt chú trọng kiểm tra, kiểm soát, xử lý các mặt hàng thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn ngốc, gia cầm nhập khẩu trái phép, không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tôi cho rằng, tình hình ATTP đã có chuyển biến lớn, nhưng nếu không tập trung kiểm tra, vi phạm e còn nhiều hơn, mức độ vi phạm sẽ nặng hơn. Vì vậy, cơ quan chức năng luôn coi việc kiểm tra là một trong những biện pháp để kiểm soát tốt hơn chất lượng các mặt hàng thực phẩm.

PV: Liên quan đến mặt hàng rượu, vụ việc của Công ty rượu Hà Nội 29 vi phạm nghiêm trọng quy định về ATVSTP đã gây hậu quả nghiêm trọng làm 6 người thiệt mạng. Tuy nhiên, vấn đề ngộ độc rượu không phải bây giờ mới xảy ra, thực trạng này khiến người dân hoang mang khi sử dụng rượu, thưa ông?

TS. Trần Quang Trung: Vụ việc của Công ty rượu 29 Hà Nội là bài học cảnh báo cho các cơ sở sản xuất rượu vì nếu cố tình sản xuất hàng không đảm bảo chất lượng thì trước sau gì cũng lộ ra. Tuy nhiên, về phía cơ quan quản lý, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, KD rượu và lấy mẫu rượu để kiểm tra. Về phía người tiêu dùng, Cục ATTP luôn khuyến cáo, người tiêu dùng cần sử dụng rượu của các cơ sở đáng tin cậy, có nguồn gốc xuất xứ.  Tuy nhiên, đối với mặt hàng rượu, có thể nói rằng, hiện nay việc kiểm soát chất lượng rượu tại các cơ sở sản xuất truyền thống rất khó khăn. Rất nhiều cơ sở sản xuất rượu nhỏ, lẻ tại các hộ gia đình, nếu không kiểm soát được cũng sẽ là một trong những mối lo ngại mất ATTP. Đây đang là vấn đề đau đầu không chỉ riêng ngành y tế. Vậy nên, theo tôi không chỉ riêng ngành y tế mà các cơ quan, ban ngành cần vào cuộc đồng bộ, vừa kiểm tra, vừa tuyên truyền đến người dân, cộng đồng việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng rượu cũng như thực phẩm an toàn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thái Bình (thực hiện)

Liên quan đến vấn đề xử phạt ATTP, cuối tháng 12, Nghị định 178/NÐ-CP quy định xử phạt về ATTP do Chính phủ vừa ban hành sẽ có hiệu lực thi hành. Theo nghị định trên, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về ATTP là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Ðồng thời, nghị định này cũng nêu rõ, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về ATTP…

 

Nguồn tin: suckhoedoisong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây