Theo số liệu của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, tính đến tháng 12 năm 2012, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 09 vụ ngộ độc thực phẩm với 133 người mắc. Trong đó có 02 vụ ngộ độc tại tiệc cưới với số ca mắc lên đến 79 người. Nguyên nhân được xác định do thực khách ăn những thức ăn được phục vụ từ các dịch vụ chế biến thực phẩm lưu động trên địa bàn. Đây được xem là loại hình chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn thực phẩm nếu ý thức trách nhiệm trước sức khỏe cộng đồng của những cơ sở nằm trong loại hình này không được nâng cao.
Trong một lần theo đoàn chuyên ngành kiểm tra công tác ATVSTP đối với dịch vụ chế biến thực phẩm lưu động trên địa bàn, tận mắt chững kiến quang cảnh khu vực dùng để chế biến thực phẩm phục vụ các lễ cưới, hỏi, những người có mặt trong đoàn công tác chúng tôi không khỏi e ngại. Để tiện cho việc phục vụ tiệc cưới, hỏi, theo sự bố trí của gia chủ, đội quân phục vụ việc chế biến thực phẩm thuộc các cơ sở chuyên kinh doanh loại hình dịch vụ ăn uống lưu động thực hiện ngay công việc của mình trên 1 bãi đất trống không lấy gì làm sạch sẽ và không có gì che chắn. Dụng cụ chế biến bày la liệt trên nền đất, 1 số món chế biến xong chưa được bảo quản đúng cách, thực phẩm sống và chín sắp xếp lẫn lộn nhau. Với qui cách chế biến như vậy, ai dám đảm bảo 100% rằng, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm ( ATVSTP) tại những bữa tiệc này là điều có thể hoàn toàn tránh khỏi.
Cũng chính từ thực trạng đáng lo ngại trên mà trong tháng 5 và tháng 8 vừa qua, tại huyện Cam Lộ và Vĩnh Linh đã ghi nhận 02 vụ ngộ độc tại tiệc cưới với tổng số ca mắc là 79 người. Nguyên nhân gây ngộ độc được xác định do khâu bảo quản thực phẩm được chế biến qua đêm của 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ chế biến thực phẩm lưu động không đảm bảo quy trình. Mặc dù không đe doạ đến tính mạng nhưng 02 vụ ngộ độc này đã gây tổn hại không nhỏ đến sức khoẻ cũng như tốn kém về chi phí chữa trị cho người mắc.
Nói về nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ loại hình dịch vụ phục vụ ăn uống lưu động trên địa bàn, ông Trần Quý- Chánh thanh tra Chi cục ATVSTP cho biết: Nguy cơ tiềm ẩn ngộ độc thực phẩm hàng loạt từ các loại hình này là điều rất dễ xảy ra bởi các tiệc cưới, hỏi, lễ hội.. có khi có đến cả ngàn người tham dự. Nếu ăn thức ăn không đảm bảo có thể gây ngộ độc cấp tính, thậm chí có thể đe doạ tính mạng con người. Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất ATVSTP từ các dịch vụ chế biến thực phẩm lưu động thường do địa điểm, khu vực chế biến thức ăn chật hẹp, không đảm bảo vệ sinh; dụng cụ bảo quản, chuyên chở thực phẩm không đảm bảo; các cơ sở thường chế biến các suất ăn sẵn sau đó mới vận chuyển đến địa điểm phục vụ. Việc chế biến 1 nơi phục vụ 1 nơi và phải vận chuyển thức ăn đã dẫn đến hậu quả làm ô nhiễm thức ăn trong quá trình vận chuyển. Bên cạnh đó, thời gian lưu thức ăn sau chế biến đến khi sử dụng quá dài; Người trực tiếp chế biến, phục vụ không phải là những người chuyên nghiệp mà chủ yếu là người hợp đồng thời vụ nên không được khám sức khoẻ, không được tập huấn kiến thức ATVSTP, đặc biệt bàn tay của người chế biến chứa nhiều vi khuẩn gây nguy cơ làm ô nhiễm thức ăn. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm không đảm bảo theo quy định, nguyên liệu dùng chế biến chưa được kiểm soát chất lượng 1 cách chặt chẽ.
Tình hình ngộ độc thực phẩm trong thời gian qua trên địa bàn toàn tỉnh được đánh giá gia tăng, trong đó đáng ngại nhất là các vụ ngộ độc tại tiệc cưới. Nguyên nhân được xác định là do khâu chế biến và bảo quản thực phẩm của các dịch vụ phục vụ thực phẩm lưu động, đặc biệt là tỷ lệ 70- 80% bàn tay người phục vụ nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng- 1 loại vi khuẩn gây ngộ độc cấp tính hàng đầu ở nước ta. Bên cạnh đó, điều đáng nói là hiện nay, trong số hơn 3000 cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn thì có đến 64.5% số cơ sở chưa đảm bảo điều kiện ATVSTP. Thế nhưng những cơ sở này lại thường xuyên tổ chức chế biến phục vụ suất ăn cho các tiệc cưới hỏi, lễ hội… Để hạn chế những nguy cơ mất ATTP từ loại hình này, việc nên triển khai và áp dụng những giải pháp kiểm soát ATVSTP đồng bộ trong thời gian sớm nhất là điều hết sức cần thiết.
“ Các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương, các đơn vị y tế cần tăng cường giám sát quản lý loại hình này. Đặc biệt ở tuyến xã, phường, thị trấn... là nơi gần dân nhất khi có sự kiện sử dụng loại hình này cần cử ngay cán bộ chuyên trách đến giám sát, kiểm tra. Cần phải điều tra, rà soát, thống kê các cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ phục vụ ăn uống lưu động để đưa vào quản lý chặt chẽ. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành... để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nâng cao ý thức trách nhiệm của người kinh doanh cũng như người tiêu dùng. Cần tổ chức tập huấn kiến thức ATVSTP, tư vấn hướng dẫn cho các cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ này để các cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện. Ngoài ra, cần thí điểm xây dựng mô hình quản lý tập trung loại hình dịch vụ ăn uống tại 1 điểm cố định. Đồng thời, phải tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý đối với các cơ sở cố tình vi phạm- ông Trần Quý- Chánh thanh tra Chi cụcATVSTP chia sẻ về các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm từ các loại hình dịch vụ phục vụ ăn uống lưu động trong thời gian tới.”
Nguy cơ đe doạ ngộ độc thực phẩm từ loại hình phục vụ chế biến thực phẩm lưu động là vấn đề đang được quan tâm hiện nay, bởi đây là một loại hình rất khó quản lý trong khi nhu cầu của xã hội đối với loại hình này ngày càng tăng cao. Để bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng, ngoài trách nhiệm của cơ quan chuyên trách, thiết nghĩ những người trực tiếp kinh doanh, sử dụng loại hình này hơn bao giờ hết cần nâng cao cảnh giác và tinh thần trách nhiệm để hạn chế nguy cơ mất ATVSTP có thể xảy ra./.