Nguyên nhân gây nên tình trạng trên do thực phẩm, đồ uống không an toàn đang “bủa vây” người Việt, khiến chất lượng cuộc sống đang có nguy cơ giảm sút.
Báo động ngộ độc
Mỗi năm hàng nghìn lượt người phải cấp cứu tại các bệnh viện vì ngộ độc thực phẩm. Điều đáng chú ý là các vụ ngộ độc thường xảy ra nhiều ở học sinh các trường phổ thông, mẫu giáo và bếp ăn tập thể và những người dùng thức ăn đường phố. Tháng 10 vừa qua, hơn 100 công nhân tại công ty may giày da Liên Phát Bình Dương bị ngộ độc thực phẩm pahỉ cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Thủ Đức TP.HCM. Sau khi xét nghiệm mẫu thực phẩm, cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân bị ngộ độc là do món thịt bò xào trong khẩu phần ăn bị nhiễm khuẩn.
Hàng trăm công nhân bị ngộ độc do ăn thịt bò bị nhiễm khuẩn |
Bất chấp nguy cơ ngộ độc thực phẩm đang được cảnh báo trong cộng đồng, người dân vẫn cứ vô tư ăn thức ăn đường phố, mỗi ngày hàng trăm điểm bán hàng rong vẫn tung hoành ở các làng đại học, kí túc xá sinh viên. Trong 9 tháng của năm 2013, cả nước đã có 108 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 2.800 người mắc, trong đó có 18 ca tử vong. Trong 40 vụ ngộ độc thực phẩm được thống kê trong quý 3 thì nguyên nhân do vi sinh vật là 23 vụ, do độc tố tự nhiên 4 vụ, do hóa chất 2 vụ và 11 vụ chưa xác định được nguyên nhân. Các vụ ngộ độc xảy ra khắp nơi, từ gia đình riêng đến tập thể.
Thức ăn đường phố tung hoành khắp các tuyến đường, đặc biệt tập trung tại các trường học |
Theo thống kê, gần một nửa nguồn thực phẩm tiêu thụ rộng khắp TP chưa được kiểm soát và đảm bảo vệ sinh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc một lượng lớn thực phẩm cung cấp cho người dân tiêu thụ luôn rình rập nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Theo Chi cục ATVSTP TP.HCM, ở TP.HCM, hiện có hơn 28.000 điểm kinh doanh thức ăn đường phố (là những điểm bán cố định). Còn hàng rong, xe đẩy lưu động thì chưa thể thống kê.
Với những điểm bán thức ăn đường phố - bán trong nhà, hay bán ở lề đường (như xe bánh mì, phở,…) nhưng cố định một chỗ thì phường, xã nắm được. Còn với hàng rong dạng gánh, bưng, hay xe đẩy di động nay đây mai đó thì chưa thể quản được. Bởi những người buôn bán này thường từ các tỉnh, thành khác đến, họ luôn di chuyển nên việc dọn dẹp lòng lề đường còn khó, chứ nói gì đến việc quản lý về ATVSTP.
Tiêu chảy, ung thư rình rập
Ngoài nguy cơ ngộ độc, bệnh tả và tiêu chảy cũng thường trực đối với những người hay ăn thức ăn đường phố. Theo thống kê của BV Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận điều trị các ca tiêu chảy, nhất là vào những đợt nắng nóng kéo dài, số ca tiêu chảy bệnh viện tiếp nhận điều trị có khi lên đến hơn 1.000 ca. Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng thường xuyên điều trị các ca mắc bệnh liên cầu khuẩn. Nguyên nhân chủ yếu là do ăn tiết canh, ăn cháo lòng,....
Hiện cơ quan chức năng chưa thể quản được với hàng rong dạng gánh, bưng, hay xe đẩy di động nay đây mai đó |
Theo PGS TS DS Nguyễn Hữu Đức, ĐH Y dược TP.HCM, thức ăn đường phố thường không đảm bảo vệ sinh nên dễ gây ra các bệnh nhiễm trùng dạ dày ruột cấp do ăn, uống phải các loại thực phẩm bị nhiễm bẩn mầm bệnh Campylobacter, Samonella, E.Coli 0157. H7, Calcivirus, phẩy khuẩn tả hoặc bị nhiễm độc tố của vi khuẩn tụ cầu vàng, Clostridium botulinum. Ngoài ra, nguy cơ nhiễm độc thức ăn cũng cao, nhất là nhiễm các độc tố có sẵn trong thực phẩm hoặc nhiễm các hóa chất độc hại từ bên ngoài thâm nhập vào thực phẩm qua quá trình nuôi trồng, chế biến như: ngộ độc khoai mì, ngộ độc cá nóc, ngộ độc cá trắm, ngộ độc nấm, ngộ độc thuốc trừ sâu trong rau quả,...
Thức ăn đường phố thường sử dụng công thức “hương - mùi - màu” để tạo ra sản phẩm. Trong khi phần lớn người sản xuất dùng phẩm màu, hóa chất công nghiệp - là nguy cơ gây bệnh mạn tính lên gan, thận, thần kinh, và gây ung thư. |
Ngoài ra, mỗi năm, số bệnh nhân mới mắc ung thư ở Việt Nam là 150.000 người, trong đó có 75.000 người tử vong. Con số này đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm tiếp theo. Nguyên nhân chủ yếu do các loại hóa chất độc hại có trong thức ăn hàng ngày và chế độ ăn uống của người Việt không quan tâm đến các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm trong một thời gian dài.
Hiện tại, cả nước có từ 240.000 đến 250.000 người mắc bệnh ung thư. Trong đó, chủ yếu là ung thư phổi, dạ dày, đại tràng, ung thư gan, ung thư vú và cổ tử cung (đối với nữ).
Hàng ngày, người dân phải ăn những loại thực phẩm bị tẩm độc bởi những loại hóa chất độc hại hay các loại thức ăn, nước uống đường phố không an toàn, có chứa các chất bảo quản gây nguy cơ mắc bệnh ung thư cho người tiêu dùng. Đặc biệt là vào mùa nóng, các loại thức ăn, nước uống không an toàn và mất vệ sinh tràn ngập đường phố.
Bình Nguyên(baodatviet.vn)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn