Dịp Tết Dương lịch và Tết nguyên đán Tân Sửu đang đến rất gần, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lại được đặt lên hàng đầu nhằm đảm bảo mọi người, mọi nhà đón Tết an toàn và sung túc. Chính vì vậy, tăng cường các giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian này đóng vai trò đặc biệt quan trọng khi mà nhu cầu thực phẩm, cung cấp thực phẩm tương đối đa dạng, phong phú vào dịp cuối năm.
Vào nhịp này nhu cầu sử dụng thực phẩm sẽ tăng cao đột biến, kéo theo các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ giữ trữ hàng hóa thực phẩm với số lượng lớn. Ngoài các sản phẩm truyền thống của tỉnh, thì các sản phẩm của các tỉnh bạn, thực phẩm nhập khẩu cũng sôi động theo. Do đó, đây là thời điểm mà nguy cơ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm diễn biến phức tạp, với nhiều loại mặt hàng thực phẩm không bảo đảm chất lượng, hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc… tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 72/KH-BCĐLNVSATTP ngày 28/12/2020 về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết nguyên Đán Tân Sửu và mùa lễ hội xuân năm 2021, với mục tiêu Bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát sử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Để đạt được mục tiêu này thì Ban chỉ đạo yêu cầu các cơ quan, đơn vị quản lý an toàn thực phẩm triển khai hai nội dung chính, đó là công tác thông tin truyền thông và công tác thanh kiểm tra xử lý vi phạm.
Thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo các Sở: Y tế, Công thương và Nông nghiệp, UBND các huyện, thị xã đã ban hành cụ thể kế hoạch triển khai theo ngành, lĩnh vực. Trong việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp cuối năm và Tết nguyên đán, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã ban hành kế hoạch số 07/KH-CC ngày 05/01/2021 về việc truyền thông và giám sát an toàn thực phẩm Tết nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội xuân 2021, thời gian tiến hành trước tết nguyên đán 12/01/2021 đến 28/01/2021.
Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm Sản và Thủy sản đã ban hành kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết nguyên đán Tân Sửu và Mùa Lễ hội xuân năm 2021 với mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm nông lâm thủy sản; tăng cường kiểm soát xử lý việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm tết. với nội dung cụ thể là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và băng rôn khẩu hiệu với nhiều nội dung phong phú và thực hiện công tác thanh tra kiểm soát chất lượng nguyên liệu nông lâm sản trên thị trường, thời gian tiến hành từ ngày 05/01/2021 đến 20/3/2021.
Trong việc tăng cường kiểm soát công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp cuối năm và Tết nguyên đán Tân sửu, Cục Quản lý thị trường cũng đã xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, trong đó tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng chính phủ tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; kiểm soát việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đẩy mạnh công tác hậu kiểm chất lượng sản phẩm, xử lý các hành vi vận chuyển kinh doanh các mặt hàng thực phẩm không đảm bảo chất lượng, quá hạn sử dụng, thực hiện không đúng quá trình ghi nhãn hàng hóa và các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với các nhóm mặt hàng, phạm vi quản lý thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương nhằm bảo vệ quyền lợi, sức khỏe cho cộng đồng.
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề thời sự và được quan tâm đặc biệt của mọi người tiêu dùng. Tình hình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong những năm qua đã cho thấy đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, nhất là đối với huyện miền núi, nguồn hàng tương đối đa dạng phong phú như ở tỉnh ta. Thực tế triển khai của ngành chức năng, bên cạnh việc thanh kiểm tra và xử lý các vi phạm cần lưu ý hơn đến công tác truyền thông về an toàn thực phẩm, công tác xây dựng khuôn khổ luật pháp nhằm tiến tới việc xã hội hóa trong công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trên thực tế, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian qua trên cả nước diễn ra phức tạp. Rất nhiều loại thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, không an toàn đang được lưu hành trên thị trường, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng như Pate Minh Chay, rượu chứa nhiều methanol, thịt đông lạnh nhập khẩu không rõ nguồn gốc, nhiễm vi sinh vật và có nhiều tạp chất, hết hạn sử dụng vẫn tiêu thụ trên thị trường; việc giết mổ và chế biến các loại gia súc, gia cầm không bảo đảm điều kiện vệ sinh; việc sử dụng hóa chất ngoài danh mục cho phép trong sản xuất chế biến thực phẩm, tình trạng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh trong nông nghiệp không đúng quy định còn khá phổ biến.
Quan tâm vệ sinh an toàn thực phẩm để chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm là hết sức cần thiết, vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để khống chế các nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, nhất là trong các dịp Lễ, Tết. Để không trở thành “nạn nhân”, không còn cách nào tốt hơn là người tiêu dùng phải có ý thức tự bảo vệ mình, có ý thức chủ động tẩy chay, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Song Lam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn