Quảng Trị: Cảnh báo ngộ độc từ một số loài cây, quả, hoa chứa các hợp chất có khả năng gây ngộ độc thường gặp khi ăn phải
Thứ sáu - 30/08/2024 03:58
Ngày 27/8/2024, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm có nhận được báo cáo số 385/BC-TTYT của Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa về kết quả điều tra, xác minh ngộ độc thực phẩm do ăn quả rừng.
Theo báo cáo điều tra có 6 em bị ngộ độc nghi do ăn quả Dầu mè hái từ cây mọc dọc bờ rào trong thôn và được Trung tâm Y tế Hướng Hóa cấp cứu điều trị kịp thời.
Theo các tài liệu nghiên cứu, Cây Dầu mè (hay còn gọi Ba đậu nam, Dầu lai, Cọc rào, Cọc giậu…,) có tên khoa học: Jatropha curcas, Họ: Euphorbiaceae (Thầu dầu), cây cao 1-5m, cành to mẫm, nhẵn, trên có những vẩu nổi lên do sẹo của lá, khi bị chặt sẽ chảy ra một thứ nhựa mủ trắng. Loài cây này thường được trồng làm hàng rào, bờ rào. Được biết, hạt dầu mè chứa 27-40% dầu và một Toxalbumin có độc tính cao là curcin, gây rối loạn tiêu hóa nặng ở người. Dầu hạt độc nên chỉ dùng trong công nghiệp, dùng thắp đèn, làm xà phòng. Khi ăn phải hạt dầu mè, trẻ sẽ bị nóng rát ở miệng, hầu họng và dạ dày, đồng thời thấy chóng mặt, sau đó xảy ra nôn mửa, tiêu chảy, hôn mê diễn biến nguy hiểm đến tính mạng nếu không cấp cứu kịp thời.
Ngoài quả Dầu mè, còn có một số loài cây, quả, hoa khác chứa các hợp chất có khả năng gây ngộ độc thường gặp khi ăn phải như: quả Hồng trâu, quả Ngô đồng, quả Cà độc dược, cây Thầu dầu, cây Bông tai, Cây Lá ngón, cây Thông thiên, cây Đai vàng (có hình ảnh kèm theo)...
Để phòng ngừa ngộ độc từ các thực vật có độc tố tự nhiên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đề nghị Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương, các trường học trên địa bàn:
- Tăng cường tuyên truyền và khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng bất kỳ bộ phận nào của cây, hoa, quả có chứa các hợp chất gây độc hoặc nghi ngờ gây độc để ăn, uống. Đặc biệt, các gia đình cần trông nom, quan sát trẻ cẩn thận; hướng dẫn trẻ nhận biết cây, hoa, quả có độc, không hái, ăn những cây, hoa, quả lạ ngoài thiên nhiên. Cây chứa chất độc nên cần cẩn trọng khi trồng trong nhà. Nếu có dấu hiệu nghi bị ngộ độc, cần gây nôn và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở Y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
- Phát hiện sớm ca ngộ độc thực phẩm; cấp cứu và điều trị kịp thời không để diễn biến xấu xảy ra; tổ chức điều tra, xác định phương thức lây truyền, thức ăn nguyên nhân để có biện pháp xử lý theo quy định, nhằm hạn chế tối đa hậu quả do ngộ độc thực phẩm gây ra. Tải Công văn tại đây
Một số hình ảnh của các cây có độc tố tự nhiên
1. Quả cây Dầu mè
2. Quả cây Hồng Trâu
3. Quả cây Ngô Đồng
4. Cây Cà độc dược
5. Quả cây Thầu dầu
6. Cây Bông tai
7. Cây Lá ngón
8. Cây Thông thiên
9. Cây Đai vàng
Nguồn tin: Phòng Nghiệp Vụ - Chi cục ATVSTP Quảng Trị: