Tập thể cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm phải nỗ lực, cố gắng và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2014, nhằm đảm bảo không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm. Trong quá trình triển khai để đạt được kế hoạch cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ sau:
1/ Giải pháp về quản lý hành chính. Nâng cao năng lực hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm từ tỉnh đến địa phương đủ năng lực quản lý và điều hành các hoạt động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm các cấp và hệ thống cộng tác viên vệ sinh an toàn thực phẩm ở các xã, phường.
Ban hành các văn bản quản lý trong cấp các loại giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm và tiến hành hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), thực hành vệ sinh tốt (GHP) và phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP).
Hướng dẫn triển khai các văn bản pháp luật và quy phạm kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm mới ban hành cho cán bộ làm công tác quản lý tại tuyến cơ sở.
Nghiên cứu khoa học phục vụ công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.
2/ Giải pháp truyền thông. Phổ biến kiến thức, thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm và ý thức trách nhiệm của các nhóm đối tượng: người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và nhà quản lý, lãnh đạo để tạo ra một môi trường thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh.
Duy trì Tháng hành động (15/4 – 15/5) và Tháng cao điểm (tết âm lịch) vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tạo ra được điểm nhấn trong năm.
Huy động các kênh truyền thông và lực lượng truyền thông truyền tải được các thông điểm đến các nhóm đối tượng, làm thay đổi nhận thức và thực hành.
Phối hợp với các Hội, Hiệp hội ....để đa dạng hoá hình thức truyền thông và tuyên truyền đúng đến các nhóm đối tượng.
Đánh giá kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của các nhóm đối tượng; xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin; đào tạo, tập huấn, triển khai đội truyền thông cơ động; cung cấp các thiết bị truyền thông; xây dựng và duy trì đội truyền thông xã, phường.
3/ Giải pháp thanh kiểm tra. Thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đánh giá kế hoạch hàng năm; Kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, Tháng hành động và Tháng cao điểm vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra đột xuất phát sinh trong quản lý chất lượng thực phẩm, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ của các Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia an toàn thực phẩm được phân bổ cho các đơn vị.
Lấy mẫu, kiểm nghiệm mẫu thực phẩm trong họat động thanh tra, kiểm tra và đột xuất cho các nhóm thực phẩm và theo các thời điểm quan trọng trong năm, nhằm phân tích, đánh giá mẫu thực phẩm không đảm bảo để phục vụ công tác quản lý.
Công bố kết quả thanh kiểm tra đối với các cơ sở không đảm bảo chất lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng và Thiết lập đường dây nóng trong công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm toàn tỉnh.
Cấp các loại giấy chứng nhận và giám sát, hậu kiểm, kiểm tra định kỳ việc thực hiện các quy định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể và cơ sở sản xuất.
Trang bị các thiết bị, phương tiện, dụng cụ và các loại test để phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong đảm bảo an toàn thực phẩm.