Ngày 5/12/2012, Bộ Y tế đã có Thông tư số 30/2012-BYT Quy định về điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Thông tư quy định rõ người kinh doanh thức ăn đường phố phải có các loại hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc thực phẩm, các quy định về dụng cụ hành nghề, vị trí kinh doanh, sức khỏe của người kinh doanh... Năm 2013, nhằm quản lý cơ sở thực phẩm và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho các cơ sở, Sở Y tế Quảng Trị đã ban hành Quyết định 153/QĐ-SYT ngày 29/3/2013 về việc phân cấp quản lý và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố.
Mục tiêu chủ yếu nhằm kiểm soát các điều kiện thức ăn đường phố, hạn chế ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm, đảm bảo an sinh xã hội và mỹ quan đô thị, phát triển kinh tế- xã hội, thu hút được nhiều khách du lịch đến với Quảng Trị, sử dụng những sản phẩm truyền thống của tỉnh. Đây cũng là dịp nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, của người kinh doanh và người tiêu dùng trong việc đảm bảo ATTP đối với thức ăn đường phố nói riêng và thực phẩm nói chung. Qua đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, ban quản lý khu lễ hội, ban quản lý khu công nghiệp, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP với thức ăn đường phố. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Phấn đấu trên 80% chủ doanh nghiệp có bếp ăn tập thể và 100% cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố cam kết chấp hành đầy đủ các quy định về đảm bảo ATTP trong “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm”. Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tập thể và thực phẩm thức ăn đường phố trong thời gian diễn ra “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Với chủ đề “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2014 là an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, ngoài các hoạt động thường xuyên nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP, Tháng hành động còn là điểm nhấn tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động truyền thông vì chất lượng vệ sinh ATTP và chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng thức ăn đường phố. Trong đó đặc biệt là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của UBND các cấp, trách nhiệm của cộng đồng bao gồm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP. Ưu điểm cơ bản của loại hình thức ăn đường phố là thuận tiện cho người tiêu dùng, giá rẻ, chủng loại thức ăn phong phú, đa dạng, đẹp mắt, đáp ứng nhu cầu ăn nhanh, uống nhanh, tiết kiệm nhiều thời gian cho người tiêu dùng, tạo thêm việc làm cho người lao động. Ngoài ra, thức ăn đường phố còn là nét văn hóa truyền thống đặc trưng của mỗi quốc gia, vùng miền.
Tuy nhiên, thức ăn đường phố cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: Không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nguyên liệu không được lựa chọn kỹ, nơi bán hàng gần khu công cộng (đường phố, bến tàu, xe…) dễ gây ô nhiễm và có thể gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Thành phố Đông Hà là trung tâm hành chính của tỉnh cũng là nơi phát triển mạnh loại hình dịch vụ thức ăn đường phố. Các điểm bày bán thức ăn chế biến sẵn cố định, quán vỉa hè, những gánh hàng rong có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu, từ các chợ, cung đường, cổng trường học, bệnh viện, công viên và cả ở bến tàu, xe đóng trên địa bàn. Chủng loại sản phẩm thức ăn đường phố rất phong phú, tùy sở thích, người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn cho mình những điểm đến để thưởng thức từ chè, cháo, nước giải khát, bánh, phở, cơm, xôi, các món nhậu bình dân… Được chế biến sẵn, giá cả bình dân, mùi vị thơm ngon nên dù được bày bán ở những nơi tạm bợ, hàng quán thô sơ hay phải ngồi cả trên vỉa hè, nền chợ... thì thức ăn đường phố vẫn luôn thu hút rất đông số lượng khách hàng. Trao đổi thêm với chúng tôi, bác sĩ Dương Công Vững, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Đông Hà cho biết: “Hiện nay trên địa bàn thành phố có trên 800 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, điều kiện ATTP còn nhiều bất cập, cụ thể là nguồn nước, dụng cụ bảo quản thực phẩm... chưa đảm bảo, do đó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”.
Thực tế cho thấy, thức ăn đường phố đem lại cho người dân ở vùng đô thị khá nhiều lợi ích song bên cạnh đó nó cũng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ATTP. Với sự phát triển rầm rộ của loại hình thức ăn đường phố ở thành phố Đông Hà thì công tác quản lý luôn gặp nhiều khó khăn, bất cập mà tiêu biểu nhất chính là vấn đề đảm bảo chất lượng ATTP. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm ở loại hình thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn khi các điểm kinh doanh dịch vụ này phần lớn không tuân thủ đầy đủcác quy định về đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm. Hàng quán tạm bợ, dụng cụ chế biến, chứa đựng thô sơ, môi trường, nguồn nước không sạch sẽ, nguồn nguyên liệu thường dễ bị nhiễm vi sinh vật, có giá rẻ và không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó là tình trạng sử dụng phụ gia, hóa chất độc hại trong quá trình chế biến, cách thức bảo quản không đảm bảo, thức ăn phần lớn không được che đậy hoặc che đậy sơ sài, người bán hàng dùng bàn tay trần để bốc thức ăn... Nguy cơ ngộ độc thực phẩm và mắc các bệnh lây truyền qua thực phẩm như: tiêu chảy cấp, dịch tả từ thức ăn đường phố là điều rất dễ xảy ra, nhất là khi mùa hè đang đến gần, nếu cả người bán lẫn người ăn không nêu cao ý thức cảnh giác. Các quy định của nhà nước về loại hình này cũng đã có, song làm thế nào để đưa các quy định đó vào hiện thực cuộc sống, để những người kinh doanh thức ăn đường phố tự giác tuân thủ các quy định này? Đây là những câu hỏi lớn đang đặt ra và cũng là sự trăn trở của những người làm công tác quản lýnhà nước về vệ sinh ATTP.
Bác sĩ Dương Công Vững cho biết thêm: “Để thực hiện tốt công tác ATTP đòi hỏi các ban, ngành cùng phối hợp với ngành y tế nâng cao trách nhiệm trong công tác vệ sinh ATTP, cụ thể là tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, tổ chức các lớp truyền thông trực tiếp đến từng khu phố cho những hộ sản xuất kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đã qua tập huấn, nâng cao nhận thức cho các cơ sở, hộ dân sản xuất kinh doanh thực phẩm về các mối nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, đồng thời tích cực hơn nữa trong công tác kiểm tra, giám sát để nhắc nhở người dân trong công tác vệ sinh ATTP, có như vậy mới từng bước đưa công tác vệ sinh ATTP, đặc biệt là thức ăn đường phố, ngày một đi vào ổn định và hạn chế tối đa các vụ ngộ độc có thể xảy ra”.
Bài, ảnh: Phan THanh Hải