Vào 15 giờ 30 ngày 12/10/2012, gia đình bà Nguyễn Thị Chiến, trú tại thôn An Lạc, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, phát hiện có sinh vật lạ xuất hiện trong món thịt, chả kho liền báo ngay cho Trạm Y tế, chính quyền địa phương và Trung tâm Y tế thành phố Đông Hà đến giám sát và lấy mẫu kiểm nghiệm.
Sau khi giám sát thực địa và lấy mẫu thực phẩm (thịt, chả kho); Vào lúc 17 giờ ngày 12/10/2012 Trung Tâm Y tế Thành Phố gửi mẫu đến trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Quảng Trị, đồng thời điện báo cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm về sự cố an toàn thực phẩm nói trên.
Sau khi nhận được thông tin về sự cố trên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng Tỉnh tiến hành nuôi cấy kiểm nghiệm thực phẩm. Đồng thời liên hệ và đề nghị lò mổ ông Tạ Quốc Ánh bảo quản lạnh và lưu giữ số thịt lợn còn lại (200g) cùng con bán cho gia đình bà Chiến để làm cơ sở xác minh.
Từ ngày 13/10/2012 đến ngày 14/10/2012 Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế đã phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố Đông Hà, Chi cục Thú Y tỉnh và các cơ quan chức năng tổ chức tiến hành điều tra truy xuất nguồn gốc, với kết quả cụ thể như sau:
Vào lúc 8 giờ ngày 12/10/2012, gia đình bà Nguyễn Thị Chiến có mua 300g thịt lợn từ một người bán rong có tên Trương Thị Hiền trú tại làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh để làm món thức ăn thịt kho chả dùng vào bữa trưa của gia đình (vào lúc 11 giờ). Sau khi ăn xong, số thức ăn còn thừa (món thịt kho chả nói trên) khoảng 100g để lại đến chiều, sau gần 4 giờ, vào lúc 15 giờ 30 phút cùng ngày, một thành viên trong gia đình đem món thịt kho còn lại ăn cùng với cơm và phát hiện có sinh vật lạ.
Kết quả điều tra truy xuất nguồn gốc cho thấy Bà Trương Thị Hiền (người bán rong) trực tiếp lấy thịt từ lò mổ của ông Tạ Quốc Ánh tại làng Mai Xá, xã Gio Mai. Tại đây, hàng ngày lò mổ cá nhân của ông Ánh chỉ mổ 1 đến 2 con lợn và tiêu thụ hết trong ngày, có giám sát đóng dấu thú y.
Riêng bà Trương Thị Hiền sáng ngày 12/10/2012, ngoài việc bán 300g thịt cho gia đình bà Nguyễn Thị Chiến, còn bán cho 5 hộ gia đình khác trong vùng, nhưng tất cả đều không phát hiện có dấu hiệu bất thường và không phát hiện sinh vật lạ. Riêng mẫu thịt 200g được bảo quản môi trường lạnh 24 giờ, sau đó đem ra để môi trường nhiệt độ thường xem xét thịt vẫn còn tươi, có tính đàn hồi tốt, không biến đổi màu và không phát hiện sinh vật lạ.
Điều tra dụng cụ chứa đựng thịt bán rong và dụng cụ chế biến thức ăn cho thấy chưa đảm bảo vệ sinh: Nhiều bao tải và các cụ dụng khác chứa đựng thịt không được vệ sinh hàng ngày, đặc biệt có những dụng cụ bao gói còn nhiều thịt vụn tồn lưu nhiều ngày, đây có thể là nguyên nhân tạo điều kiện cho ruồi đẻ trứng và nở thành dòi, giai đoạn đầu của nhộng ruồi.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm (theo Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT ngày 19 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc “Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm” cho kết quả như sau:
Tên chỉ tiêu - Đơn vị tính | Giới hạn tối đa cho phép | Kết quả |
TS VKKH (CFU/gr) | 105 | 2,5 x 108 |
Coliforms (MPN/gr) | 50 | 1,1 x 107 |
Escherichia coli (MPN/gr) | Không có (<3 MPN) | 7,5 x 106 |
Staphylococcus aureus (CFU/gr) | 102 | Đang thử nghiệm |
Clostridium perfringens(CFU/gr) | 102 | Không phát hiện |
Salmonella (CFU /25gr) | Không có | Đang thử nghiệm |
Như vậy, qua kết quả kiểm nghiệm chưa phát hiện vi sinh vật lạ trong mẫu thực phẩm. Vi sinh vật phát hiện trên mẫu thức ăn thực chất là con dòi do ruồi để trứng và phát triển thành dòi con. Nguyên nhân chủ yếu do thực phẩm tiếp xúc dụng cụ chứa đựng, chế biến thức ăn không hợp vệ sinh.