Ngộ độc rượu và cách phòng tránh

Thứ năm - 10/01/2019 03:37
Trong thời gian vừa qua trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng đã xảy ra một số vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng làm nhiều người phải nhập viện cấp cứu, trong đó có một số trường hợp tử vong, nguyên nhân là do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, không công bố tiêu chuẩn chất lượng.
Ngày 23/12/2018, tại xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong. Sau tiệc rượu mừng Noel, ông Lê Văn X (64 tuổi) cùng 3 người khác phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng vật vã, kích thích, đau đầu nhiều, rối loạn hô hấp, nhìn mờ , hơi thở có mùi alcol với chuẩn đoán ban đầu là theo dõi ngộ độc rượu. Nạn nhân X đã tử vong sau 5 ngày điều trị ở bệnh viện.
 
Bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện
 
Chi cục đã lấy 04 mẫu rượu để gửi kiểm nghiệm, trog đó có 01 mẫu rượu còn lại tại bữa tiệc do ông Hoàng Thanh C (01 trong 04 bệnh nhân bị ngộ độc) mang về từ bữa tiệc và 03 mẫu rượu tại nhà ông Hoàng N (Hậu Kiên, Triệu Thành, Triệu phong) là nơi cung cấp rượu cho bữa tiệc. Hiện tại toàn bộ số rượu còn lại đã được niêm phong và tạm giữ tại Chi cục. Kết quả kiểm nghiệm 04 mẫu rượu trên đều cho kết quả hàm lượng methanol vượt quá ngưỡng cho phép theo QCVN 6-3:2010/BYT quy chuẩn quốc gia về đồ uống có cồn, trong đó có 03 mẫu rượu ngâm thì hàm lượng methanol vượt quá ngưỡng cho phép từ 189 đến hơn 1.000 lần, đặc biệt mẫu rượu (100 ml) còn lại sau bữa tiệc có hàm lượng methanol vượt quá 1.119 lần cho phép.
Chi cục đã phối hợp với Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Quảng Trị nhận 02 mẫu máu của 02 bệnh nhân gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia. Kết quả kiểm nghiệm máu cho thấy hàm lượng methanol trong mẫu máu của bệnh nhân Nguyễn Văn N là 2.100 mg/l tương đương 210 mg/dl vượt quá  hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc (20 mg/dl) và hàm lượng methanol trong mẫu máu bệnh nhân Lê Văn T là 1.350 mg/l tương đương 135 mg/dl cũng vượt quá hơn 06 lần ngưỡng gây ngộ độc.
Sau khi có kết quả kiểm nghiệm hàm lượng methanol, ngày 28/12/2018 Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để tổ chức điều tra, xác minh nguồn gốc sản phẩm rượu gây ngộ độc thực phẩm, kết quả điều tra cho thấy:
Nguồn gốc sản phẩm rượu được sử dụng tại bửa tiệc gây ra ngộ độc thực phẩm tại thôn Đồng Giám, Triệu Độ, Triệu Phong ngày 25/12/2018 được ông Phan K (người đứng ra tổ chức tiệc mời) mua từ hộ gia đình ông Hoàng N, địa chỉ: Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị vào sáng ngày 22/12/2018.
Hiện tại Đoàn đã niêm phong toàn bộ số rượu còn lại tại nhà ông Hoàng N và ông Phan Anh T và tạm giữ tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo kết quả điều tra tại hiện trường và các triệu chứng lâm sàng cùng với kết quả kiểm nghiệm đã nêu trên thì đây là một vụ ngộ độc rượu có chứa methanol.
    Việc sử dụng rượu trong mỗi bữa ăn hay lễ, tiệc nhất là ở vùng nông thôn không còn là điều mới lạ. Những ca bệnh do ngộ độc rượu ở tỉnh Quảng Trị vừa qua cũng như cả nước đã cảnh báo nguy cơ sử dụng rượu không đảm bảo an toàn.

 
 
Methanol là chất rất độc, với lượng nhỏ có thể gây mù, nhiều hơn có thể tử vong dễ dàng. Cồn(rượu) trong công nghiệp có chứa nhiều methanol được điều chế từ gỗ, và methanol là sản phẩm phụ của quá trình này, vì thế rượu(cồn) dùng trong phòng thí nghiệm, y tế có chứa nhiều metanol do đó tuyệt đối không được uống cồn hoặc dùng cồn thay rượu uống. Việc sản xuất rượu từ nguồn nguyên liệu là cồn công nghiệp bị nghiêm cấm, song thực tế vẫn diễn ra vì lợi nhuận cao do giá thành rẻ, dễ pha chế, khó phát hiện bằng cảm quan.
Ngày Tết đến nhu cầu về rượu là rất cao, bởi gia đình nào cũng cần ít nhất một chai rượu để thờ cúng hay tiếp khách. Vì vậy để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cho gia đình và xã hội, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Trị đề nghị:
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu: Tuyệt đối không sản xuất kinh doanh loại rượu pha chế từ nguyên liệu, cồn không bảo đảm chất lượng, không nhãn mác, chưa công bố tiêu chuẩn.
Đối với người tiêu dùng:
1. Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
2. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
3. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
4. Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không rõ nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
5. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.
Đối với các cơ quan chức năng: Đặc biệt là tuyến xã, phường tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Xử lý nghiêm, công khai các cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.


Tác giả bài viết: Quang Duy

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây