Trong những ngày cuối năm, thời tiết chuyển mùa, xuất hiện nhiều đợt mưa nhỏ và nhiệt độ đã lạnh dần tạo điều kiện thuận lợi để các loại nấm hoang dại mọc ở khắp nơi, nhất là trên nương rẫy, các khu rừng tràm, rừng cao su. Đối với người dân, nấm rừng là món ăn khoái khẩu. Và hệ lụy là do thiếu kiến thức và không biết phân biệt được loại nấm nào ăn được và loại nấm nào là nấm độc, nên đã xảy ra các vụ ngộ độc nấm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của mình.
Theo báo cáo của TTYT huyện Vĩnh Linh, ngày 02 tháng 12 năm 2018, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh tiếp nhận 05 người bệnh trong một gia đình tại thôn Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh, Quảng Trị, có các triệu chứng: Đau đầu, nôn mửa, đau bụng, ỉa chảy. Qua điều tra ngộ độc cho biết: Gia đình đã hái nấm từ rừng cao su về và chế biến món cháo dùng cho bữa ăn sáng. Hiện tại bệnh nhân đã hồi phục.
Qua quá trình điều tra bệnh nhân, loại nấm gây ra vụ ngộ độc này có hình dáng giống loại nấm ô tán trắng phiến xanh được hái khi còn búp nên nhầm tưởng nấm mối. Được biết năm nay sau những trận mưa, nấm mọc nhiều, bà con đã hái và chế biến làm thức ăn.
Trước thực trạng nêu trên, Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Trị khuyến cáo người dân:
- Chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được.
- Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả...
- Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ.
- Không hái nấm non chưa xoè mũ vì chưa bọc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc.
- Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.
- Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.
Dưới đây là một số đặc điểm để nhận diện nấm độc mà những người hay thu hái nấm rừng cần lưu ý:
- Nấm có hình dạng và kích thước khác nhau tùy theo từng loài nhưng nấm có đủ: mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc.
- Những loại nấm có màu sắc sặc sỡ như màu đỏ, màu nâu vàng, có đốm, vảy khác màu, có màu tạp, phiến nấm màu xanh hay sợi nấm phát sáng trong đêm… cũng thường mang độc tố.
- Nếu nấm lành thường có mùi thơm dịu hoặc không mùi thì nhiều loại nấm độc có mùi thối, hắc, vị đắng, khi cắt thì vết cắt rỉ ra dịch màu trắng sữa.
- Không nên hái các loại nấm hoang dại lúc còn non, mũ nấm chưa mở ra (đối với nấm tán) vì trông chúng rất giống nhau nên khó xác định được là nấm lành hay nấm độc.
Khi bị ngộ độc nấm cần phải đưa tất cả những người bị ngộ độc và cả người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến các cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và cấp cứu kịp thời.
Bên cạnh đưa ra khuyến cáo với người dân, ngành chức năng cũng đề nghị các địa phương, đơn vị phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về nấm bằng tiếng Ba Cô, Vân Kiều, ..... trên sóng phát thanh nhằm phổ biến rộng rãi các thông tin phân biệt nấm độc tới người dân để bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc do nấm độc.
Lệ Thủy