Vừa qua, Trung tâm Y tế huyện Than Uyên, tỉnh Lào Cai và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận, cấp cứu 20 người dân ở bản Mùi 2, xã Khoen On, huyện Than Uyên bị ngộ độc do ăn côn trùng lạ màu đen (giống bọ xít). Đây là loại côn trùng xuất hiện trên địa bàn xã từ gần 1 năm nay.
Bác sỹ Nguyễn Đức Cường - Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trong 2 ngày 16-17/6, 4 bệnh nhân được chuyển từ Trung tâm Y tế huyện Than Uyên lên Bệnh viện thì có 2 bệnh nhân men gan tăng cao, tế bào gan bị hủy hoại và 2 bệnh nhân men gan không tăng, tỉnh táo, tiếp xúc bình thường. Hiện tại, cả 4 bệnh nhân này đang được truyền dịch, hỗ trợ tế bào gan để điều trị triệu chứng, theo dõi chức năng gan, thận...
Khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc do ăn bọ xít. Những bệnh nhân này có những biểu hiện kích thích thần kinh, nói lảm nhảm và có nguy cơ để lại di chứng thần kinh sau này.
GS.TS Bùi Công Hiển, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Côn trùng học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, côn trùng có kích thước nhỏ bé nhưng vì số lượng đông nên chúng là nguồn dược liệu và thực phẩm bổ dưỡng quý giá. Việc phân tích thành phần hóa học của bọ khoai tây và ấu trùng cánh cứng đã chỉ ra rằng, những côn trùng này có thể sánh với những loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, côn trùng có hàm lượng đạm cao (ví dụ, 100g châu chấu có tới 24,3g protein; 100g nhộng cung cấp 13g protein); giàu caxi và vi khoáng (100g châu chấu cung cấp 210mg canxi, cao gấp gần 10 lần so với thịt gà, thịt lợn).
Những món này được cho là ngon, bổ. Tuy nhiên, không ít trường hợp ăn xong bị ngứa, dị ứng, thậm chí là ngộ độc.
Ngộ độc vì côn trùng thì có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do côn trùng có chứa một số chất gây dị ứng. Điều này dễ nhận thấy nhất là nhộng, một món ăn bổ dưỡng nhưng không ít người ăn xong bị dị ứng. Đây là do cơ địa của từng người, có những người cơ địa không hợp với một chất nào đó có trong nhộng nên bị dị ứng. Thứ hai, côn trùng bắt ngoài tự nhiên, không phải là côn trùng sạch như nhiều người tưởng. Trên thân của nhiều loại côn trùng có chứa các loại nấm độc, giun tròn, bọ chét, rận, ve... Vì thế, khi sử dụng làm thức ăn, nếu không xử lý sạch sẽ có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí là tử vong.
Theo TS Trần Quang Bính - Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM), các loài côn trùng như dế, ve, nhộng sầu, đuông dừa, bò cạp... từ lâu vẫn được coi là những món ăn rất thơm ngon, hấp dẫn. Tuy nhiên, TS Bính cảnh báo, các loại côn trùng này, hay các dạng ấu trùng của chúng khi đào lên có thể bị nhiễm nấm độc.
Do trong đất luôn có chứa rất nhiều bào tử nấm độc nên gặp độ ẩm, nhiệt độ, môi trường sinh trưởng thích hợp thì chúng nhiễm vào các con côn trùng, ấu trùng để phát triển và phát tán mạnh.
Điều nguy hiểm là côn trùng, ấu trùng bị các bào tử nấm độc nhiễm vào vẫn giữ nguyên hình dạng. Nhưng phủ tạng bên trong của côn trùng đã bị các sợi tơ nấm độc mọc, phát tán và biến đổi toàn bộ thành một khối sợi nấm độc.
Khi đó nếu sờ vào sẽ thấy thân cứng và mắt của con nhộng có màu trắng đục (trong khi những nhộng ve nếu còn sống thì mắt màu đen, hơn nữa thân mềm và có cử động). Khi bẻ thân các con nhiễm nấm đã chết này ra sẽ nhìn thấy màu trắng đục giống như khúc củ khoai mì tươi sống, có mùi của thực vật.
Côn trùng đã chết dạng nhiễm nấm thì sẽ biến đổi thành cây nấm độc. Nếu ai ăn phải con bị nhiễm nấm độc đã mọc thành cây nấm này ắt bị ngộ độc nấm độc. Các triệu chứng ngộ độc chủ yếu là triệu chứng thần kinh, như chóng mặt, nôn ói, co giật tay chân, tăng tiết, cứng hàm, kích thích, lơ mơ, mê sảng, hôn mê... các triệu chứng nhiều hay ít tùy theo mức độ ngộ độc, lượng đã ăn, cơ địa người ăn.
Bề ngoài chúng vẫn hấp dẫn vì vẫn giữ nguyên hình dạng của con côn trùng hay ấu trùng non. TS Quang Bính lưu ý, người tiêu dùng hãy cảnh giác vì khi đó chúng đã trở thành một cây nấm thật sự và có độc tính, không thể ăn.
Nguồn tin: VietQ.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn