Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2017 của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, với sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, sự lãnh đạo của đảng uỷ và Ban giám đốc Sở Y tế, Chi cục An toàn thực phẩm Quảng Trị luôn đặt vấn đề bảo đảm sức khoẻ cho cộng đồng lên làm mục tiêu hàng đầu trong công tác hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trong tỉnh.
Thanh tra, kiểm tra tại cơ sở sản xuất rượu truyền thống
Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh thành lập 338 đoàn thanh tra, kiểm tra về công tác an toàn thực phẩm. Trong đó, ở cấp tỉnh thành lập 08 đoàn, cấp huyện 46 đoàn, cấp xã 284 đoàn. Đã kiểm tra 5749 lượt cơ sở có 1457 lượt cơ sở vi phạm, xử lý vi phạm hành chính là 33 cơ sở với tổng số tiền phạt là 50.250.000 đồng. Riêng tuyến tỉnh đã phát hiện và xử phạt 20 cơ sở với số tiền xử phạt là 30.350.000 đồng. Ngoài việc xử phạt, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã lập biên bản đóng cửa 1 cơ sở, đình chỉ lưu hành sản phẩm của 04 cơ sở, tiêu hủy 109 loại sản phẩm không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm gồm (chả, sữa chua, bánh kẹo, bò khô, nước mắm, nước ngọt, dăm bông, rượu, miến v.v..). Chi cục ATVSTP đã lấy 553 mẫu kiểm tra chất lượng định kỳ sau công bố, trong đó kiểm tra chỉ tiêu vi sinh 45 mẫu, có 08 mẫu không đạt; kiểm tra chỉ tiêu hóa lý 508 mẫu, có 51 mẫu không đạt. Mẫu không đạt chủ yếu là các sản phẩm như: nước uống đóng chai, cao và chè thảo mộc, nước mắm, tinh bột nghệ, bánh kẹo các loại,… Các mẫu không đạt Chi cục đã có công văn thu hồi và xử lý vi phạm các cơ sở có mẫu không đạt.
Năm 2017, mặc dù nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia chưa về, nhưng trong tháng hành động đa số đơn vị đã tích cự tham mưu và huy động được kinh phí từ địa phương để tổ chức Lễ phát động an toàn thực phẩm. Cụ thể: toàn tỉnh có 7/9 huyện và 39/141 xã có tổ chức Lễ phát động tháng hành động.
Công tác giáo dục tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm bằng nhiều hình thức như tập huấn, nói chuyện, xe tuyên truyền lưu động, treo băng rôn khẩu hiệu, nhân bản đĩa tuyên truyền.... Phối hợp với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thông tin đại chúng như trung tâm truyền thông và giáo dục sức khỏe, đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử, trang web Sở Y tế, Chi cục ATVSTP… làm phóng sự và đưa tin bài về công tác an toàn thực phẩm.
Công tác quản lý ATTP tại tuyến huyện, xã còn nhiều hạn chế do một lượng lớn số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa thực hiện tốt các quy định về đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm như: Trang thiết bị sử dụng trong lao động và sản xuất, chưa xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, chưa khám sức khoẻ theo định kì cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt, thực hành VSATTP trong sản xuất, chế biến thực phẩm của nhân viên trực tiếp tiếp xúc thực phẩm còn yếu và mang tính đối phó các đoàn kiểm tra.
Đoàn đang thanh tra đang làm việc với chủ cơ sở
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng đang phát triển loại hình dịch vụ chế biến thực phẩm lưu động phục vụ tiệc cưới hỏi, ma chay, hội nghị. Đây là loại hình phục vụ tiện lợi, rẻ tiền nên được nhiều người dân lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, loại hình này cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ gây ra nhiều vụ ngộ độc cấp tính ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Việc quản lý và duy trì hoạt động của loại hình này cũng là một trong những khó khăn, thách thức lớn cho các ngành chức năng mà trước hết cần có sự tham gia giám sát của cộng đồng dân cư, đặc biệt chính quyền địa phương nơi có cơ sở tổ chức chế biến thực phẩm.
Qua các con số thống kê cho thấy, số cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm khá nhiều, điều này cho thấy nhận thức về an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm chưa cao. Đây cũng chính là thách thức đối với ngành y tế nói chung và đối với Chi cục nói riêng. Và vì vậy trong thời gian tới, cụ thể là trong sáu tháng cuối năm 2017, nhiệm vụ cấp bách của Chi cục là tập trung nâng cao nhận thức của cộng đồng đặc biệt là các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm.